Nội dung trên được nêu tại Thông báo số 464/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với ĐHQGHN.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã có nhiều đổi mới và phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, được trong nước và quốc tế đánh giá cao.
ĐHQGHN đã quy tụ được đội ngũ nhân tài, các giáo sư, phó giáo sư và chuyên gia đầu ngành; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tiếp tục phát huy thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng thời chú trọng các nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm khoa học gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đất nước. Vị trí xếp hạng của ĐHQGHN được nâng cao (tăng từ vị trí số 250 năm 2010 lên 139 các trường đại học hàng đầu châu Á năm 2016, trong đó có một số lĩnh vực nằm ở tốp 100).
ĐHQGHN đã tập trung kiến tạo, phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp vươn lên trong sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học thúc đẩy phát triển thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đã chú trọng đầu tư và phát triển các công trình, sản phẩm có tính thực tiễn cao phục vụ đời sống; có số lượng các nhà khởi nghiệp đứng đầu trong các trường đại học cả nước.
ĐHQGHN đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo của nước nhà, nhất là trong việc dẫn dắt hệ thống đại học đổi mới, hội nhập; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia, phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ĐHQGHN còn một số khó khăn, hạn chế: sản phẩm khoa học và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc thu hút cán bộ, nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn thấp; số lượng các nhà sáng lập khởi nghiệp đông đảo nhưng việc thương mại hóa sản phẩm còn hạn chế; cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, đặc biệt tiến độ Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc chậm dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu so với yêu cầu đặt ra.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN, Thủ tướng đồng ý chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc về ĐHQGHN và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với ĐHQGHN hoàn thiện các thủ tục bàn giao nguyên trạng, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao, ĐHQGHN quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN theo tinh thần: Xây dựng một khu đô thị đại học hiện đại, không chỉ gồm các đơn vị thành viên hiện tại của ĐHQGHN; có quỹ đất dự phòng để một số trường đại học có uy tín có thể có cơ sở trong khu đô thị đại học. Thủ tướng yêu cầu việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết ĐHQGHN 1/500 phải thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm mục tiêu phát triển, cấu trúc khu đô thị đại học chất lượng cao của quốc gia.
Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án, công trình triển khai, chống lấn chiếm và xây dựng trái phép; xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù để tập trung giải phóng mặt bằng với một lộ trình cụ thể, đặc biệt là xây dựng các dự án tái định cư trên cơ sở dự án điều chỉnh được duyệt; hoàn thành thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ĐHQGHN.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và ĐHQGHN đề xuất bổ sung vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng các công trình thiết yếu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng để xử lý cụ thể việc này sớm...