Đề án này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị cho ý kiến và chuyển tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận trong tháng 10/2016 trước khi ban hành một Nghị quyết về nội dung này.
Cho ý kiến về việc xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án này nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ ba (trong 6 nhiệm vụ trọng tâm) mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra.
Đó là nhiệm vụ: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công”.
“Sau Nghị quyết Đại hội Đảng XII, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động là Nghị quyết bao trùm về kinh tế của cả nhiệm kỳ này, đặt ra các mục tiêu cụ thể và có tầm nhìn trong 10 năm tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan soạn thảo và các bộ, ban ngành Trung ương xác định được vị trí quan trọng của việc xây dựng Đề án này.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đề án cần cụ thể hóa, làm rõ hơn những quan điểm, tư tưởng của Nghị quyết Đại hội Đảng XII. Do đó, cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế, xã hội của Đại hội Đảng XII, các chương trình được tổng kết của Quốc hội, Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương về thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong những năm qua để xây dựng Đề án.
Cơ quan soạn thảo đánh giá lại việc triển khai Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu cuối cùng là phát triển nhanh và bền vững so với tiềm năng và yêu cầu, điều kiện của đất nước; làm rõ hơn khái niệm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; đánh giá về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương trong những năm qua.
Phó Thủ tướng gợi ý nội dung của Đề án phải được cụ thể hóa trên cơ sở nền tảng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với mục tiêu tăng trưởng dài hạn, tăng trưởng bao trùm. Đồng thời Đề án cũng phải đặt ra các nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội…
Ngoài ra, các bộ, ban, ngành Trung ương cần rà soát các Quyết định, Chỉ thị, Thông tư để chắt lọc những nội dung thể hiện được quan điểm, tư tưởng của Đảng về nội dung này từ đó tổng kết, tích lũy, nội dung nào không phù hợp thì phải loại bỏ để thống nhất về nhận thức và hành động cho các cấp, ngành.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cơ quan chấp bút cho Đề án, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, tổ chức, đơn vị ở trong nước để sớm hoàn thiện Đề án, trình cơ quan có thẩm quyền thảo luận và quyết định.