Xây dựng hướng dẫn 'Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, nhằm phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội.
Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em là rất cần thiết. (Ảnh minh họa. Nguồn Báo CP)
Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em là rất cần thiết. (Ảnh minh họa. Nguồn Báo CP)

Tại Hội thảo tham vấn Xây dựng hướng dẫn “Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp” do UNICEF cùng với Cục Trẻ em tổ chức mới đây, các thông tin cho thấy trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Cụ thể, Việt Nam đã có các đạo luật đề cập tới việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp như Luật Trẻ em; Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 56 (năm 2017) của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 06 (năm 2018) của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Thông tư liên tịch số 01 (năm 2022) của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH; Thông tư số 43 (năm 2021) của Bộ Công an và một số văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.

16 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn đáp ứng yêu cầu “tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em” mà Quốc hội quy định trong Nghị quyết số 121 (ngày 19/6/2020). Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đa ngành đã được thực hiện ở một số địa phương có sự hỗ trợ của quốc tế (như Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM) nên việc phối hợp liên ngành, chuyển gửi khá thuận lợi.

Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và Chiến lược bảo vệ trẻ em toàn cầu của UNICEF đã đặt nền móng cho các quốc gia, vùng lãnh thổ triển khai mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em liên ngành - cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Khi một trẻ em bị xâm hại, bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm thì trẻ em và gia đình cần được cung cấp dịch vụ bảo vệ trên các lĩnh vực khác nhau để bảo đảm sự an toàn, phục hồi về thể chất và tinh thần; đồng thời giúp trẻ em và gia đình tiếp cận với các dịch vụ thuận lợi hơn, bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn, rút ngắn thời gian phục hồi, giảm nguy cơ tái tổn thương, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và đây cũng là xu hướng tất yếu.

Ở Việt Nam, bên cạnh những kết quả nêu trên, thực tế vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: Vai trò phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thật tốt, chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng hay bắt buộc; chưa chủ động, tích cực với việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp được giao; chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến vai trò, trách nhiệm trong thực hiện quy trình; thiếu các cam kết phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại.

Theo bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam), kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp cho thấy, nhu cầu đa chiều của trẻ em bị bạo lực, xâm hại chỉ có thể được đáp ứng tốt hơn trong phương thức xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả theo hướng điều phối và tích hợp nhằm giúp trẻ em, gia đình có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cần thiết nhanh chóng và dễ dàng.

Trên thế giới đã có mô hình Trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa, đây là chiến lược toàn diện nhất để cung cấp dịch vụ tích hợp, là địa chỉ duy nhất mà trẻ em cùng gia đình có thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu tại cùng một địa điểm, không cần di chuyển đến nhiều địa chỉ khác nhau; các dịch vụ chủ chốt được cung cấp tại chỗ, bổ sung các dịch vụ khác nếu thấy cần thiết thông qua chuyển gửi đến các cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để xây dựng hướng dẫn “Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp” cần tập trung vào các vấn đề lớn như xác định nhóm đối tượng thụ hưởng của mô hình (như: trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, lao động trái quy định của pháp luật…); hướng dẫn cụ thể cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của mô hình (cần lồng ghép, phát huy hiệu quả và gắn với cơ sở/trung tâm hiện có của địa phương); cụ thể hóa các loại hình dịch vụ cung cấp tại cơ sở/trung tâm, các loại hình dịch vụ cung cấp tại các cơ quan, tổ chức khác; hướng dẫn cơ chế hợp tác với các cơ quan tổ chức liên quan gồm: công an, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tạm lánh, pháp y, trợ giúp pháp lý, cơ quan tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ tích hợp cho nạn nhân và gia đình các em...

Đọc thêm