Xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ người lao động khỏi mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu

(PLVN) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối đe dọa hiện hữu đối với an toàn của người lao động trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: M.Phương)

Nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe Lao động năm 2024 (28/04/2024), Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Chihoko Asada-Miyakawa đã nêu quan điểm giải thích về những gì cần thay đổi để bảo vệ người lao động khỏi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu.

Theo bà Chihoko Asada-Miyakawa, BĐKH đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến chất lượng không khí tồi tệ, người lao động phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, thường xuyên phải tiếp tục làm việc mà không có sự bảo vệ hoặc biện pháp khắc phục phù hợp, ngay cả khi điều kiện nguy hiểm.

Do đó, việc trao quyền cho người lao động, cho phép họ ngừng làm việc do thời tiết quá nóng mà không lo mất lương hoặc mất việc làm là điều vô cùng quan trọng, bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, không phải tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau. Những người dễ bị tổn thương, lao động phi chính thức, người lao động di cư và những người với hoàn cảnh thiệt thòi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Phụ nữ cũng bị ảnh hưởng một cách không cân xứng.

“Trước những thách thức này, chúng ta cần có hành động phối hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điểm khởi đầu phải là các khuôn khổ pháp lý vững chắc, điều cần thiết để thực thi các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ người lao động khỏi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu. Năm 2022, Hội nghị Lao động Quốc tế đã nhất trí đưa “môi trường làm việc an toàn và lành mạnh” vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO.

Mặc dù một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành luật và hướng dẫn để giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức tại nơi làm việc nhưng việc bảo vệ người lao động khỏi các tác động khác của BĐKH vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta cần có những chính sách toàn diện tích hợp khả năng chống chịu BĐKH vào các khuôn khổ an toàn vệ sinh lao động hiện hành, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa.

Hơn nữa, đối thoại xã hội giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này là điều cần thiết để xây dựng các chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt ở cấp độ nơi làm việc” - bà Chihoko Asada-Miyakawa nêu quan điểm.

Đọc thêm