Xây dựng 'lá phổi xanh' cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội cao nhất thế giới”, “Báo động đỏ ô nhiễm không khí Thủ đô”…, là những thông tin được đăng tải thời gian qua khi Hà Nội liên tục ghi nhận chỉ số ô nhiễm ở mức rất cao.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TP Hà Nội đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, quy hoạch chung Thủ đô hướng đến thực hiện mục tiêu Hà Nội là thành phố của hòa bình, xanh, đáng đến và đáng sống.

Nhận thấy khả năng suy giảm chất lượng không khí từ hệ quả của phát triển kinh tế và đô thị hóa, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, giải pháp xây dựng, chỉnh trang công viên được người dân ngóng chờ sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí, cải tạo không gian thành phố “xanh - sạch - đẹp”. Đáp ứng mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng”, thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, do UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì.

Khu vực bãi nổi giữa (khoảng 328ha) và bãi ven sông Hồng (khoảng 63,2ha) là khu vực duy nhất phù hợp trong khu vực đô thị trung tâm để xây dựng không gian sinh thái, công cộng xanh, văn hoá đầy hấp dẫn trên địa bàn Thủ đô. TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) nhận định, bãi nổi giữa sông Hồng có giá trị lớn về thiên nhiên, là nơi lưu giữ các hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông với 209 loài thực vật bậc cao có mạch như loài cây gỗ, cây thuốc, cây ăn quả, rau, mầu, các vùng cỏ tự nhiên. Đây còn là khu vực xuất hiện đa dạng các loài chim hoang dã và có tầm quan trọng đối với các loài chim di cư.

Với mục tiêu biến sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng đã được tổ chức. Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều kiến trúc sư ngay từ khi phát động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án, đặc biệt với các vấn đề pháp lý liên quan đến xây dựng và quy hoạch, việc đặt tên cho dự án, bảo tồn hệ sinh thái sẵn có…

Sau 5 năm được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội đã và đang thúc đẩy các dự án có liên quan đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái để đối mặt với những vấn đề đô thị như ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước, thiếu cây xanh,… Bên cạnh ý tưởng về công viên văn hoá đa chức năng ở khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng, Hà Nội cũng đang triển khai đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen Tây Hồ.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy dự án môi trường phát triển đúng hướng cần có sự vào cuộc, đồng hành của cơ quan chức năng và các bên liên quan, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp những ý tưởng xanh được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ lý thuyết đến thực tiễn.

Đọc thêm