Thực tiễn cho thấy, dù đã tiến hành cải cách, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính song doanh nghiệp và người dân khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa còn đang chịu nhiều thủ tục hành chính.
"Đây là rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội" - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét trong cuộc họp cho ý kiến về dự thảo đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được Chính phủ giao do Bộ Tài chính soạn thảo để khắc phục tình trạng trên.
Đề án đưa ra 7 nội dung cải cách lớn theo hướng cơ quan Hải quan là cơ quan đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng hậu kiểm.
Cụ thể: Giao cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đơn giản hóa trình tự, thủ tục kiểm tra ở từng phương thức kiểm tra theo trình tự kiểm tra quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước; áp dụng quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ, giảm chi phí xã hội; bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Theo nhận xét của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ , "Nếu làm tốt mô hình mới được triển khai sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cũng như nền kinh tế tiết giảm chi phí. Do đó, Đề án cần được chỉnh sửa theo hướng thực sự cải cách, không phát sinh thêm thủ tục, không làm khó doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn bảo đảm quản lý hiệu quả".