Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hôm 5/10 vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí NTM, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM.
Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình, để hoàn thành chỉ tiêu như trong việc XDCB, có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng.
“Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân”, ông Bình nhấn mạnh và chỉ ra khu vực nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ) là khu vực có phong trào xây dựng NTM dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỷ đồng, Thái Bình 1.232 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 919 tỷ đồng,..
Cho rằng con số nợ đọng XDCB báo cáo đưa ra chưa chính xác, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết cách đây ít hôm ông có dự một hội nghị của Chính phủ đánh giá quá tình xây dựng NTM, nghe thông tin nợ XDCB là 17 nghìn tỷ đồng chứ không phải hơn 15 nghìn tỷ đồng, cần phải xem lại con số trên.
“Báo cáo giám sát đề nghị từ nay đến 2017 phải giải quyết dứt điểm nợ XDCB. Tôi nghĩ khó vì theo báo cáo có đến 40,7% số xã nợ XDCB, bình quân mỗi xã nợ 4,2 tỷ đồng, có nhiều xã nợ 30 - 40 tỷ đồng, lấy tiền đâu để năm 2017 giải quyết hết số nợ này?”, ông Lưu bày tỏ.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, con số 15 nghìn tỷ không phải là nhỏ và có tác động không lành mạnh đến nền kinh tế quốc gia. “Cả nước nợ hơn 15 nghìn tỷ nhưng 3637 xã có nợ trong đó có 147 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Nếu kiến nghị sắp tới nguồn ngân sách nhà nước có nguồn trái phiếu hay nguồn gì cho đầu tư công lại ưu tiên giải quyết trả nợ thì sẽ không hợp lý, bất công với những xã khác. Nếu thế thì phong trào cứ vay nợ để đầu tư rồi sẽ được ưu tiên giải quyết nợ. Còn để địa phương đang nợ đó tự phải nỗ lực tìm nguồn kinh phí để giải quyết, chưa thấy Đoàn giám sát có kiến nghị?”, bà Ngân đặt vấn đề.
Giải trình những thắc mắc của Chủ tịch QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong quá trình đi giám sát, làm việc với kiểm toán, có đặt vấn đề này. “Các địa phương cũng nói rằng sẽ sử dụng quỹ đất của địa phương trong quá trình sau này sẽ đấu giá để trả nợ nhưng chúng tôi cũng rất băn khoăn trong vấn đề này...”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rà soát nợ đọng XDCB, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng XDCB. Các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM nếu không xử lý xong nợ đọng XDCB trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu băn khoăn: “Đã công nhận địa phương đó được NTM, bây giờ lại không công nhận nữa vì nợ đọng XDCB, liệu có đúng không?”. Theo ông Lưu, chúng ta đang có sự nóng vội, bệnh thành tích ở một số địa phương trong xây dựng NTM. “Phải thấy đây là sự nghiệp lâu dài, phải kiên trì, bền bỉ chứ không phải đến năm 2020. Như Nhật Bản mất 70 năm, Mỹ 100 năm để có NTM…”, ông Lưu lưu ý.