Hiệu quả thực thi thấp
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, dẫn Nghị quyết Đại hội XII, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là lần đầu tiên khẳng định Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN theo hướng hiện đại theo chuẩn mực của thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên nhắc đến kinh tế tư nhân là động lực và xây dựng quốc gia khởi nghiệp.
Theo ông Lộc, điều quan trọng là Chính phủ đã có bước đầu tiên hoàn thiện thể chế, đó là việc ban hành Nghị quyết 19, trong đó khẳng định mục tiêu trở thành một nước dẫn đầu ASEAN. Tuy nhiên, theo ông vẫn còn nhiều việc cần làm để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ thừa nhận, mặc dù Nghị quyết đã có, cơ chế chính sách đã được ban hành, tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp (DN) nêu trên còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp.
Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao. Tính liên kết giữa các DN trong nước và nước ngoài còn yếu. Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường còn nhiều vướng mắc, chưa được khơi thông. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế.
Thiếu “hệ sinh thái” cho doanh nghiệp
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Quốc Toản, thực tế những năm qua, nhiều cá nhân, DN đã khởi nghiệp thành công, tuy nhiên theo ông, thực tiễn phát triển của DN khởi nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên chỉ ra là Việt Nam đang thiếu “hệ sinh thái” khởi nghiệp.
Đáng lưu ý là Chỉ số về Tinh thần kinh doanh toàn cầu (với 3 chỉ số con là Thái độ kinh doanh, Năng lực kinh doanh và Say mê kinh doanh) của Việt Nam cũng rơi vào dạng rất thấp, thậm chí thấp hơn ngay với nhiều nước trong khu vực như Lào và Campuchia. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của DN. Tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.
Đặc biệt, khung pháp lý về việc thành lập, vận hành Vườn ươm công nghệ; thực thi các vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến DN vẫn còn chưa đồng bộ; các loại hình công nghệ ươm tạo còn chưa đa dạng, chủ yếu là công nghệ thông tin.
Một nguyên nhân nữa cũng được kể đến là đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm qua còn chưa thực sự ổn định, thiếu bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư từ nước ngoài; nhiều DN trong nước không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào để các quỹ đầu tư nước ngoài nhận biết được nhu cầu về vốn của mình.Trên tất cả các nguyên nhân đó, theo TS Toản, ở cấp độ quốc gia chưa có một Chương trình tổng thể khởi nghiệp quốc gia.
“Bà đỡ” Nhà nước
GS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Nhà nước cần phải có chức năng phục vụ DN, và khẳng định chức năng này phải là chức năng quan trọng nhất! Ông Cũng lưu ý, không có một nước nào trên thế giới phát triển đi lên bằng DN nhà nước và FDI, mà phải là DN tư nhân, do vậy, thể chế của ta phải là thể chế hỗ trợ, phát triển DN tư nhân.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, thực ra bấy lâu nay, Nhà nước cũng hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng việc hỗ trợ chưa được ổn định, chỉ khi nào DN khó khăn thì mới hỗ trợ… “Nhưng giờ phải thay đổi, phải hỗ trợ những DN có tiềm năng cạnh tranh vươn lên gặp khó khăn tạm thời. Chọn những DN có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó chúng ta có những DN tư nhân mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia. Các DN sẽ đứng trên vai Nhà nước để phát triển. Đây là tư duy cần được áp dụng để phát triển….”- ông đề nghị.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng: “Nhà nước có vai trò kiến tạo, bà đỡ cho hoạt động DN khởi nghiệp, tiến tới quốc gia khởi nghiệp. Vai trò này đặc biệt nổi bật khi công việc bắt đầu, như câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, Nhà nước là người “nhóm lửa” và “thổi lửa”. Đồng thời khu vực tư nhân là nền tảng, trụ cột để mở ra, nhân rộng, tạo thành “bếp lửa”, “cánh đồng lửa” của sự phát triển khởi nghiệp…”.
TS Hồ đề xuất: Các vườn ươm, các quỹ đầu tư, các hoạt động phục vụ cho khởi nghiệp do khu vực tư nhân này làm là chủ yếu, phải được tạo điều kiện và khuyến khích thật mạnh, kể cả những giải pháp rất đặc biệt vượt quá khung khổ pháp luật hiện hành cũng cho phép thí điểm rồi đúc kết để hoàn chỉnh pháp luật và triển khai rộng.
Đặc biệt, các Quỹ đầu tư hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp không nên giao nhiều cho cơ quan nhà nước quản lý, mà chủ yếu là để các NGO, các tổ chức của cộng đồng quản lý, với các quy chế chặt chẽ để tránh tình trạng lợi ích nhóm thao túng, chi phối. Như vậy cũng sẽ tránh được lối làm việc hành chính quan liêu không thuận lợi mà còn cản trở DN khởi nghiệp.