Xây dựng quy định quản lý tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp: Trùng lặp, thiếu rõ ràng

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong dự thảo Thông tư còn trùng lặp, thiếu rõ ràng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều 6 Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thủ tục rút tiền ký quỹ của các trường hợp quy định tại Điều 51 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, trong trình tự xử lý đơn đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ “có văn bản gửi Bộ Công Thương để yêu cầu xác nhận về việc rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp” (khoản 2) và sau khi “nhận được văn bản xác nhận của Bộ Công Thương về việc DN được rút tiền ký quỹ”, ngân hàng sẽ kiểm tra và làm thủ tục cho DN rút tiền ký quỹ.

Theo phân tích của các chuyên gia, quy định này vẫn còn bất cập. Bản chất của thủ tục này là để Bộ Công Thương xác nhận về việc rút tiền ký quỹ của DN. Với xác nhận này ngân hàng mới cho phép DN rút tiền ký quỹ. Trong khi đó, để được rút tiền ký quỹ, DN đã phải gửi hồ sơ trong đó có văn bản chấp thuận (bản chính) của Bộ Công Thương cho ngân hàng (và để có được văn bản chấp thuận này của Bộ Công Thương, DN đã phải thực hiện thủ tục xin phép để được thẩm định, cấp phép).

Vì vậy, thủ tục ngân hàng quay lại một lần nữa xin ý kiến của Bộ Công Thương về cùng một việc rút tiền ký quỹ là trùng lặp, không cần thiết, không có ý nghĩa trong quản lý, đồng thời lại làm phức tạp kéo dài quy trình một cách bất hợp lý, gây tốn kém thời gian, nhân lực cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do thủ tục ngân hàng phải gửi văn bản để Bộ Công Thương xác nhận trước khi cho phép DN rút tiền ký quỹ là quy định tại khoản 4 Điều 51 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Thông tư không thể quy định khác, vì vậy, các chuyên gia và cộng đồng DN đều mong thủ tục này cần được quy định đơn giản và nhanh nhất có thể. Ngoài ra, trong tương lai, khi sửa Nghị định 40/2018/NĐ-CP, cần xem xét bãi bỏ yêu cầu này.

Một bất cập khác là quy định này chưa làm rõ về thời gian trả lời của Bộ Công Thương sau khi nhận được văn bản của ngân hàng. Việc thiếu vắng quy định về thời hạn này sẽ khiến cho quy trình, thủ tục rút tiền ký quỹ bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của DN. “Như chúng tôi đã đề cập, thủ tục này là không cần thiết, trong khi chưa sửa đổi được Nghị định thì cần được thiết kế đơn giản, nhanh gọn nhất có thể. Theo tôi, có thể bổ sung vào Dự thảo quy định thời gian Bộ Công Thương gửi văn bản xác nhận kể từ thời điểm nhận được văn bản của ngân hàng với thời hạn 1-2 ngày làm việc” – Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) bình luận. 

Ai xử lý khoản tiền đã ký quỹ?

Điều 7 Dự thảo quy định “trường hợp số tiền trên tài khoản ký quỹ của DN không đủ để sử dụng chi trả theo yêu cầu tại văn bản của Bộ Công Thương, ngân hàng nhận tiền ký quỹ phải có văn bản thông báo Bộ Công Thương biết và xử lý”. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định nói trên chưa rõ ràng: Theo quy định này thì chủ thể nào “xử lý”? Bộ Công Thương hay Ngân hàng? Nếu là ngân hàng xử lý thì trong trường hợp này ngân hàng có phải chờ ý kiến phản hồi của Bộ Công Thương rồi xử lý việc rút tiền ký quỹ của DN không? Nếu có, thì thời hạn để Bộ Công Thương trả lời là bao lâu? Hướng xử lý sẽ như thế nào? Bộ Công Thương chỉ cần được thông báo hay phải cho ý kiến về phương pháp xử lý? Ngân hàng có thể thực hiện xử lý khác với Bộ không?

Đọc thêm