Xây dựng thương hiệu để trái cây Việt khẳng định vị thế

(PLVN) - Đóng góp mỗi năm gần 1 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng rau củ quả. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt vẫn còn đang bị bỏ ngỏ…
Xây dựng thương hiệu trái cây Việt để khẳng định vị thế nông sản nước nhà. Ảnh minh họa: IT
Xây dựng thương hiệu trái cây Việt để khẳng định vị thế nông sản nước nhà. Ảnh minh họa: IT

Vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”

Theo báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CB&PTTTNS), Bộ NN&PTNN, hết nửa đầu năm 2019, hoa củ quả XK đem về hơn 2 tỷ USD. Mặt hàng này trở thành một trong những mũi nhọn chủ lực XK nông sản của nước ta, cùng với thủy sản, đồ gỗ... giúp ngành nông nghiệp XK đạt 26,6 tỷ USD. Các loại trái cây chính phục vụ XK gồm dứa, vải, chôm chôm, thanh long, xoài, dừa, bưởi, dưa chuột… với các thị trường chính là EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nga, Singapore. 

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục CB&PTTTNS, sau năm 2010, trái cây Việt Nam vốn trước đó chỉ XK lẻ tẻ và đáp ứng thị trường trong nước thì nay đã trở thành mặt hàng ưu tiên XK. "Chúng ta mất 10 năm đàm phán và hoàn thiện các thủ tục để quả xoài Việt Nam có mặt tại Mỹ là một quá trình bền bỉ và nỗ lực từ cả các cơ quan chức năng lẫn các doanh nghiệp (DN) XK. Và mới đây, quả nhãn tìm được thị trường mới là Úc cho thấy những hướng đi đúng và bắt đầu thu được những kết quả tốt từ trái cây" - ông Toản nhận định.

Ông Toản cho rằng, xu thế hiện nay, người tiêu dùng trong nước chuộng hoa quả nội bởi chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đã được đảm bảo. Nhận định này hoàn toàn trùng khớp với khảo sát mới đây của Tập đoàn Central Group Việt Nam khi tiến hành tại các chuỗi bán lẻ trong nước. Các sản phẩm trái cây đặc sản trong nước, thông qua các kênh kết nối và tiêu thụ đã dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Từ đây, trái cây Việt Nam có xu hướng lấn át trái cây nhập khẩu (NK) ngay tại thị trường trong nước.

Trong khi đó, về chế biến, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến rau quả với thiết bị hiện đại NK từ các nước EU, Mỹ , Nhật…. Sản phẩm chính là đồ hộp, đông lạnh, nước quả cô đặc, sấy khô. Các nhà máy đang áp dụng BRC, HACCP… Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, nếu làm tốt khâu chế biến, mở rộng thị trường mới cho trái cây Việt Nam sẽ tạo ra dư địa lớn để phát triển về lâu dài… 

Thương hiệu trái cây Việt, tại sao không?

Trả lời Báo PLVN, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, việc xây dựng thương hiệu trái cây Việt là việc nên làm bởi như vậy sẽ khẳng định được vị thế của trái cây Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung khi chúng ta đẩy mạnh XK và hướng ra các thị trường lớn.

"Nhiều thị trường nhập trái cây Việt nhưng thực chất chỉ là những công ty nhỏ rồi lại bán cho công ty lớn hơn. Điều này khiến XK trái cây Việt qua trung gian mất đi nguồn thu lớn. Hơn nữa, trái cây Việt Nam có nhiều đặc sản, việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp chúng ta tiếp cận cách làm khác, thị trường lớn để tăng doanh thu"- ông Nguyên phân tích.

Ông Nguyễn Như Cường - quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN cho biết, hiện cả nước có gần 1 triệu ha trồng cây ăn quả, với sản lượng khoảng gần 10 triệu tấn mỗi năm. "Đây là dư địa lớn, cũng là nguồn cung lớn cho XK trái cây Việt Nam", ông Cường khẳng định và cho rằng cần thiết phải xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam trên nền tảng nước ta giàu tiềm năng về cây ăn quả, đất nước trải dài với nhiều tiểu vùng khí hậu nên rất nhiều trái cây ngon, chất lượng. 

Ông dẫn chứng, quả thanh Long của tỉnh Bình Thuận, quả vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) là những trái cây “không thể lẫn đi đâu được”, trồng ở vùng khác không thể nào ngon bằng. "Chúng tôi đã từng khảo sát, nhiều thương lái, công ty yêu cầu đích danh hoa quả tại vùng đó mới nhập hàng, nên khi có thương hiệu chúng ta sẽ có rất nhiều điều kiện để tiếp cận các bạn hàng lớn, thị trường lớn, tốt cho cả DN lẫn người nông dân", ông Cường nói.

Bà Đinh Kim Nhung (Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung, Đồng Tháp) cho biết, khi có thương hiệu trái cây Việt, DN ý thức được cần phải làm theo quy trình, bài bản để sản phẩm XK không chỉ đạt chất lượng mà còn góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam. 

Trong khi đó, đại diện Công ty Chánh Thu, một trong những DN lớn XK trái cây tại Bến Tre cũng cho rằng, hiện tại, Công ty đã ký cam kết với các nhà vườn từ giống, quy trình, tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap nên khi có thương hiệu trái cây Việt, sẽ tạo kích thích cho cách làm chuẩn, liên kết chuỗi và tăng giá trị trái cây Việt Nam. 

Tổng Thư ký Vinafruit cho rằng, người tiêu dùng cả trong và ngoài nước chính là những đánh giá tốt nhất đối với bất kỳ sản phẩm nào, chứ không chỉ riêng trái cây. 

"Việc xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam là điều nên làm, cần khung tiêu chuẩn như thế nào cần có thời gian để các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp sớm hoàn thiện. Khi có rồi sẽ tạo ra sự cạnh tranh làm tốt giữa các công ty, DN không chỉ XK mà hướng đến cả thị trường trong nước. Đây là một điều tốt và bền vững trong tương lai", ông Nguyên nhấn mạnh.

Đọc thêm