Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN: Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền

(PLVN) - Trong những năm qua sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được cả vai trò của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam. Thực tiễn Việt Nam gần một trăm năm qua chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản mới có đủ uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước và không có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước được thực hiện thông qua hệ thống chính trị, nhưng quan trọng nhất và chủ yếu là thông qua chính quyền nhà nước, hay nói một cách khác là Đảng thông qua Nhà nước để thực hiện sự lãnh đạo của mình. Từ đó cho thấy, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, chính vì phù hợp với thực tiễn nên Đảng lãnh đạo Nhà nước mang tính tất yếu khách quan.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản luôn giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước từ khi giành được chính quyền cho đến nay và sẽ còn tiếp tục lâu dài về sau. Đảng và Nhà nước là hai chủ thể trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Chủ thể thứ ba chính là nhân dân – với tư cách là chủ nhân thực sự của đất nước. Ba chủ thể này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và về nguyên tắc là có lợi ích hoàn toàn thống nhất với nhau.

Nhà nước mà chúng ta hiện nay đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về bản chất là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tức là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật, bản thân Nhà nước cũng phải tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo pháp luật còn Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cụ thể hóa thành pháp luật, chính sách… để thực hiện trong toàn xã hội.

TS Đinh Văn Thụy.

TS Đinh Văn Thụy.

Trong những năm qua sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được cả vai trò của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân. Điều này đã được Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước”. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cũng còn một số hạn chế nhất định, “phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”; vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất giữa Đảng và Nhà nước trong một số nội dung cụ thể, “có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”.

Lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu hoạt động

Để Đảng lãnh đạo Nhà nước đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, thiết nghĩ cần phải tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, nhận thức sâu sắc và kiên trì thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thực tiễn Việt Nam những năm qua chứng minh đây là cơ chế tối ưu nhằm ổn định và phát triển đất nước, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong quá trình vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phải phát huy một cách đồng bộ, hài hòa cả ba chủ thể, tức là cùng với việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, cần chú trọng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, “thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”.

Hai là, đảm bảo sự thống nhất giữa đường lối, chủ trương của Đảng với pháp luật, chính sách của Nhà nước. Điều này đòi hỏi trong quá trình hoạt động, Đảng và Nhà nước phải luôn luôn lấy “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, thực hiện đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng là “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Để thực hiện được như vậy, đòi hỏi cả Đảng và Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động một cách khoa học, tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, gần dân, thân dân, không ngừng hoàn thiện để thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trong Đảng và Nhà nước phải quy tụ được đội ngũ đảng viên, cán bộ đáp ứng phẩm chất về chính trị, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, chuyên môn, nghiệp vụ… nói tóm lại là hội đủ cả “đức” lẫn “tài”, cả “hồng” lẫn “chuyên” để đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Khắc phục tình trạng chủ trương, đường lối của Đảng đã có nhưng không đi vào cuộc sống được vì chưa có quy định pháp luật, chưa có chính sách cụ thể để thực hiện.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm nâng cao năng lực cầm quyền lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước theo hướng Nhà nước pháp quyền, do đó phương thức lãnh đạo của Đảng cũng cần phải đổi mới cho tương thích, phù hợp với Nhà nước pháp quyền. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng bản thân Đảng, cán bộ lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Đảng cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quyền lực Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước phải lãnh đạo cả trên ba phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đối với lập pháp, phải xây dựng được một hệ thống pháp luật phản ánh được ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động một cách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, tiến bộ, dễ áp dụng. Đối với hành pháp, phải xây dựng được một nền hành pháp tinh gọn, nhanh nhạy, thực thi hiệu quả pháp luật và các chương trình, kế hoạch mà cơ quan lập pháp đã đề ra nhằm kiến tạo phát triển vì nước vì dân. Đối với tư pháp, phải xây dựng được một nền tư pháp công minh, chính trực, thượng tôn pháp luật, giàu tính nhân văn, “thấu tình đạt lý”, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và pháp chế xã hội chủ nghĩa, qua đó góp phần tạo ra môi trường lành mạnh cho mọi thành viên xã hội tích cực đóng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cần tránh khuynh hướng cực đoan là Đảng bao biện làm thay Nhà nước, khuynh hướng này dẫn tới không phát huy được hết vai trò, chủ động, sáng tạo của Nhà nước, đồng thời dẫn tới nguyên tắc pháp quyền không được đảm bảo. Hậu quả là cả Đảng và Nhà nước đều hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, dẫn tới cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” vận hành không đạt hiệu quả như nhân dân mong muốn.

Đọc thêm