Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Phát huy vai trò Nhân dân trong giám sát quyền lực Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước là một trong những nội dung của xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ khi Nhà nước vô sản ra đời, vấn đề phát huy vai trò của Nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với quyền lực Nhà nước được đặt ở vị trí trung tâm công tác lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước là một trong những đặc trưng của xã hội mới - xã hội XHCN.
Hội thảo về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng do Ban Nội chính tổ chức vào tháng 1/2021.
Hội thảo về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng do Ban Nội chính tổ chức vào tháng 1/2021.

Thể hiện bản chất của chế độ dân chủ mới

Nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước xuất phát từ bản chất của Nhà nước vô sản là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Quyền lực của Nhà nước là quyền lực của Nhân dân giao cho, quyền lực đó phải được kiểm soát.

Theo V.I. Leenin: “Quần chúng công nhân và nông dân, những người có bổn phận xây dựng toàn bộ Nhà nước của chúng ta, hiện nay phải xây dựng công tác kiểm tra của Nhà nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Mặt khác, Nhà nước là do Nhân dân xây dựng nên, vì vậy, Nhân dân phải có trách nhiệm chăm lo nuôi dưỡng, xây dựng, củng cố Nhà nước đó vững mạnh; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước. Sự tham gia của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước là sự khác nhau căn bản về bản chất của Nhà nước vô sản so với các hình thức Nhà nước trước đó. Như vậy, Nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước là thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước XHCN, bản chất của chế độ dân chủ mới, chế độ do Nhân dân lao động làm chủ.

Nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước là do yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước”.

Muốn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, muốn có một đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không bị tha hóa, biến chất, vấn đề quyết định là Nhà nước đó phải dựa vào Nhân dân; mọi hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nhà nước là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Thực tế những năm qua, Đảng ta đã dựa vào Nhân dân, động viên Nhân dân tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền mà Đảng, Nhà nước đã phát hiện và xử lý kỷ luật hàng vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền do tiêu cực, tham nhũng.

PGS.TS Lê Kim Việt

PGS.TS Lê Kim Việt

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là công việc khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, đòi hỏi Nhà nước phải dựa vào sức mạnh to lớn và sự sáng tạo của Nhân dân. Chỉ có sự sáng tạo, đồng thuận của Nhân dân thì mọi quyết định của các cơ quan Nhà nước mới đi vào cuộc sống, mới trở thành hiện thực. Chỉ có sự tham gia của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đội ngũ công chức thì bộ máy Nhà nước mới thực sự trong sạch, vững mạnh.

Cần xây dựng Luật Giám sát xã hội

Để thực hiện tốt quyền dân chủ của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát quyền lực của Nhà nước, cần có nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Hiện nay, ở nước ta có hai hình thức cơ bản thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Để thực hiện tốt cả hai hình thức dân chủ này trong kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước, cần tập trung một số nội dung.

Trước hết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tập trung xây dựng, phát triển các dịch vụ công thông qua những ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin. Nhà nước cần thiết lập một hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch, tiện lợi để phục vụ Nhân dân tốt hơn, tránh thủ tục hành chính rườm rà…

Thông qua hệ thống dịch vụ công nghệ thông tin, các cơ quan Nhà nước cũng nắm được mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước và để người dân tiếp cận các dịch vụ công để kiểm soát quyền lực Nhà nước là một chỉ số đánh giá mức độ văn minh của một đất nước, của một Nhà nước hiện đại, kiến tạo và liêm chính.

Thứ hai, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, công khai, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của các cơ quan Nhà nước để người dân nắm được kết quả hoạt động của chính quyền. Nội dung báo cáo phải đảm bảo nguyên tắc: Tất cả những chức năng, nhiệm vụ, quy định của cơ quan, chính quyền nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) đều phải được công khai. Tất cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống, lợi ích, sự đóng góp của Nhân dân… đều phải được minh bạch, phải được báo cáo thường xuyên theo quy định.

Ngoài ra, cần tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại, chất vấn của Nhân dân với đại diện chính quyền, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, nhất là thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, chế độ chất vấn đại biểu Quốc hội, HĐND theo định kỳ và đột xuất… Nguyên tắc là, mọi ý kiến chất vấn, thắc mắc của người dân phải được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, được giải đáp rõ ràng. Kiên quyết không để tình trạng đùn đẩy, né tránh, “chìm xuồng”, vô trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chất vấn của người dân.

Thứ ba, xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm tra Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát chuyên nghiệp, tận tụy, có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, cần củng cố tổ chức và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân hoạt động thực chất, có hiệu quả. Đây là bộ phận đại diện quyền lực của Nhân dân trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cần đổi mới cơ chế hoạt động của Thanh tra nhân dân theo hướng tôn trọng tính độc lập, tính chủ động của tổ chức này, làm cho tổ chức này thực sự là cơ quan đại diện quyền lực trong công tác thanh tra, giám sát.

Thứ tư, đề cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể phải làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, thuyết phục, động viên nhân dân đề cao trách nhiệm, quyền làm chủ của mình tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch để mọi người dân có thể tiếp cận và thực hiện nghiêm túc. Trước hết, xây dựng Luật Giám sát xã hội nhằm nâng cao mức độ pháp lý trong việc bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với quyền lực Nhà nước. Xây dựng cơ chế để Nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, tố giác, tố cáo tội phạm tham nhũng, tiêu cực, các hiện tượng quan liêu, sách nhiễu, vô trách nhiệm… của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

Đồng thời, có cơ chế bảo vệ người dân tích cực đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng; kiên quyết xử lý nghiêm, loại bỏ những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy cơ quan nhà nước.

Không để tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát

Ở đâu có quyền lực và trách nhiệm thì quyền lực và trách nhiệm đó phải được nhân dân kiểm tra, giám sát chặt chẽ; không để bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

Trước hết, đối với cơ quan, chính quyền Nhà nước: Theo Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nội dung Nhân dân giám sát chính quyền, cơ quan Nhà nước được tiến hành trên một số lĩnh vực, như giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các công trình đầu tư xây dựng; giám sát kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức; giám sát nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của Nhân dân… Đối với cá nhân cán bộ, công chức, viên chức nhà nước: Trước hết, Nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức trách, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Kiểm tra, giám sát trách nhiệm và đạo đức công vụ… Ngoài việc kiểm tra, giám sát, Nhân dân còn phải tham gia xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ công chức Nhà nước. Đó là việc lựa chọn, giới thiệu những người ưu tú nhất trong Nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin cậy để trao quyền lực của mình và thực thi quyền lực của mình.

Đọc thêm