Xây dựng văn hóa lành mạnh, an toàn, tích cực trên môi trường mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi cá nhân cần có “bộ lọc” văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch sự trong tranh luận, phản biện, có năng lực về đánh giá độ tin cậy của thông tin, từ đó kiểm soát và làm chủ các thông tin trên mạng xã hội.
Đấu tranh phản bác thông tin xấu cần sự chung tay của toàn xã hội. (Ảnh minh họa)
Đấu tranh phản bác thông tin xấu cần sự chung tay của toàn xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ mạng xã hội

Trong thời đại công nghiệp 4.0, mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Đây không chỉ là nơi để giao lưu, kết nối mà còn là không gian thể hiện cá nhân, chia sẻ thông tin và tham gia vào các hoạt động truyền thông, giáo dục và chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, MXH cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi tiêu cực như tin giả, bạo lực mạng, xúc phạm, lạm dụng thông tin cá nhân… Điều này đặt ra thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên MXH ở Việt Nam hiện nay”, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, MXH đang bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để phát tán thông tin xấu, độc, sai lệch, xuyên tạc bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nhiều lực lượng thù địch, phản động đã lập ra các trang web, các kênh trên nền tảng MXH để tuyên truyền sai sự thật, kích động hằn thù, gây chia rẽ nội bộ trong nước; xúi giục người dân tiến hành các hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an; thậm chí còn kết nối, tập hợp lực lượng qua MXH nhằm chuẩn bị cho các cuộc bạo loạn, lật đổ, chống đối chế độ.

Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh phòng ngừa những tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc, trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa trên MXH hiện nay là rất cần thiết.

Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Nhấn mạnh việc nhận diện, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc của các đối tượng thù địch, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn là nhiệm vụ không chỉ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng mà còn là việc làm cần thiết của mỗi cá nhân khi sử dụng MXH, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Việt Nam cần triển khai các biện pháp đồng bộ và toàn diện để bảo đảm an ninh mạng và quản lý thông tin trên MXH hiệu quả.

Cụ thể, Chính phủ cần cung cấp và cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật và quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm hướng dẫn người dân đối diện với thông tin nhạy cảm; xây dựng và tuyên truyền “văn hóa mạng” và “văn hóa số”, giáo dục người dân nhận thức đúng về mặt tích cực và tiêu cực của MXH.

Cùng với đó, Chính phủ cần tiến hành giám sát nghiêm ngặt và triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên MXH; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Mỗi cá nhân cũng cần có “bộ lọc” văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch sự trong tranh luận, phản biện, có năng lực về đánh giá độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội để kiểm soát và làm chủ các thông tin trên MXH. Cần có ý thức, trách nhiệm trong việc lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng văn minh.

PGS. TS Vũ Trọng Lâm, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, cần tăng cường các cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định về nội dung thông tin trên không gian mạng, đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc truyền thông và thông tin trên MXH của người dùng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những sai phạm.

Cùng với sự điều chỉnh của pháp luật, để xây dựng “văn hóa mạng” và duy trì một môi trường MXH an toàn, lành mạnh, theo PGS. TS Vũ Trọng Lâm, mỗi người dân cần đề cao sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của mình thông qua những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, cũng như lên án những hành vi lệch chuẩn nhằm tạo ra sức ép dư luận đúng đắn chống lại cái xấu trên không gian mạng. Theo đó, bên cạnh việc kiên định với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, người dân cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin, kiến thức pháp luật để tránh vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật khi sử dụng MXH.

Đọc thêm