Xe đạp điện phát triển rất nhanh và đang là phương tiện gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở nhiều thành phố lớn. Thế nhưng, việc quản lý và xử phạt xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đang là vấn đề chưa thể giải quyết.
Báo động xe đạp điện
Ở nước ta xe đạp điện hiện phát triển rất nhanh, ngoài hai đối tượng là người già về hưu và học sinh sử dụng nhiều thì tiến tới số đông người làm việc ở các cơ quan hành chính cũng sẽ sử dụng xe đạp điện như một phương tiện đi lại.
Bộ KH&CN cần có Quy chuẩn quốc gia về xe đạp điện và xe máy điện ở Việt Nam. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, sỡ dĩ xe đạp điện được đông đảo người dân sử dụng vì ngoài việc bảo vệ môi trường, không phải tốn nhiên liệu thì xe đạp điện còn không phải đăng ký và không phải nộp phí đường bộ…
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với điều kiện giao thông hỗn hợp của Việt Nam hiện nay, không có đường dành riêng cho các phương tiện như xe đạp điện, xe thô sơ thì xe đạp điện cũng là một trong những loại phương tiện có nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) rất cao.
Đặc biệt, những người điều khiển xe đạp điện chủ yếu là học sinh, kỹ năng chưa nhiều lại dễ bị a dua, kích động nên rất dễ có tình trạng thách đố lạng lách, đánh võng... Quy định người đi xe đạp điện, xe mô tô phải đội mũ bảo hiểm (MBH), nhưng thực tế hiện nay người điều khiển xe đạp điện đội MBH là rất ít và gần như không có. Nếu đi xe đạp điện không đội MBH khi chẳng may tai nạn xảy ra thì mức độ nguy hiểm không khách gì xe máy.
Xe đạp điện phát triển nhanh, nhưng thực tế hiện nay việc quản lý và xử phạt xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đang trở thành một vẫn đề chưa thể giải quyết. Mặc dù theo tiêu chuẩn, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế hiện nay, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h. Tình trạng này đang gây nguy hiểm cho người điều khiển xe đạp điện và những người tham gia giao thông trên đường.
Anh Lê Đình Mạnh ở quận Hà Đông (Hà Nội), hàng ngày đi lại bằng ô tô qua các tuyến phố Hà Nội bức xúc: "Ra đường hiện nay sợ nhất là xe đạp điện, nhất là các cháu học sinh điều khiển xe với tốc độ cao chẳng khác nào xe máy lại còn hay lạng lách đánh võng, đi sai làn đường"...
Thực tế, với tốc độ di chuyển 40 km/h trong nội đô thì tốc độ của xe đạp điện, xe máy điện tương đương với tốc độ của xe máy. Và mức độ nguy hiểm của xe đạp điện khi lưu thông trên đường cũng tương đương xe máy. Mặc dù vậy, nhưng hiện nay xe đạp điện chưa được quản lý chặt do chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để quản lý.
Tiêu chuẩn kỹ thuật xe đạp điện- trống vắng
Hiện nay có 80-90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Vì loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy nên việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.
Về thực trạng này, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe đạp điện nằm trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, thế nhưng đến nay vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn gì để quản lý loại hình phương tiện này.
Trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện. Cục Đăng Kiểm sẽ trình Bộ GTVT ban hành Thông tư và tháng 11 sẽ trình Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật của xe đạp điện. Khi đó mới có những phương án rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.
Trước thực trạng chưa có quy chuẩn quản lý chất lượng xe đạp điện như hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Bộ KH&CN cần có quy chuẩn Quốc gia vê xe đạp điện và xe máy điện ở VN.
Cụ thể, Bộ KH&CN cần phối hợp với Bộ GTVT đưa ra những quy chuẩn về tốc độ đối với xe đạp điện, xe máy điện cũng như kích thước xe và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác…
“Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước phản có những tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để quản lý, thậm chí cần thiết có thể đưa ra hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng xe đạp điện được nhập khẩu”, ông Hùng nói.
Trước thực trạng này thiết nghĩ đã đến lúc các Bộ Công thương, Khoa học công nghệ, GTVT... phải ngồi lại với nhau, tính toán phương án cụ thể để quản lý loại xe này.
Thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, tìm hướng quản lý.
Sơn Bình