Từ khoảng 8h, cả trăm người nhốn nháo tập trung dọc rào phân cách để chờ được lên xe về các tỉnh, do quá giờ mà chưa thấy xe mở cửa đón khách.
Đến hơn 10h, khi lực lượng chức năng yêu cầu, các xe khách ngoại tỉnh mới lăn bánh khỏi bến nhưng không dừng lại, mặc hành khách chạy theo xin lên.
Anh Cừ, hành khách quê Thanh Hóa, mệt mỏi chia sẻ, sáng sớm đã ra bến Mỹ Đình để chờ xe về quê. Nhưng khi hỏi, hầu như tất cả nhà xe về Thanh Hóa đều từ chối nhận khách khiến anh cùng gia đình phải chờ đợi suốt hơn 2 giờ qua. Anh cũng chưa biết phải chờ đến bao giờ. "Có thể chúng tôi sẽ bắt xe tuyến Bắc-Nam để về quê", anh Cừ cho biết.
Chị Huệ, quê Nghệ An cũng than thở: "Tôi nghe nói, bây giờ muốn lên xe về quê phải sang bến Nước Ngầm. Giá taxi từ đây (bến Mỹ Đình - PV) sang bến Nước Ngầm dao động 150 - 200 ngàn đồng, còn xe ôm tối thiểu cũng phải 90 - 100 ngàn đồng. Chúng tôi đi về quê 300 km mới hết 170 ngàn đồng, đi trong Hà Nội mà đã bằng ấy tiền, lấy đâu ra. Đi xe buýt thì lâu, sợ trễ chuyến. Tôi mong thành phố có cơ chế nào đó linh động phù hợp hơn với tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp".
Cùng cảnh chờ đợi như chị Huệ, anh Hùng - Quê TP. Vinh, Nghệ An cho hay: "Sáng sớm cả nhà ra bến để bắt xe về quê nghỉ Tết dương nhưng các nhà xe không ai nhận khách. Tôi tiếp tục chờ thêm một lúc nữa nếu không có xe thì về phòng trọ và bắt một chuyến xe trái tuyến khác".
Nhiều hành khách khác cũng trong trạng thái chờ đợi, một số người tính cách "quá giang" xe khác hoặc đi xe ôm sang bến xe Nước Ngầm để kịp về quê.
Giải thích về việc không cho khách lên xe, anh N., chủ một nhà xe ở Nghệ An cho biết: "Chúng tôi nhận được thông tin phải dời xe về bến Nước Ngầm, nhưng không hề nhận được văn bản hướng dẫn điều chuyển sang bến mới như thế nào. Chúng tôi hoàn toàn bị động và không biết sắp tới hoạt động ra sao. Anh em tất cả các nhà xe thống nhất không chở khách trong hôm nay".
Còn anh T., chủ doanh nghiệp T.H. tỏ ra bức xúc: "Cách đây 10 năm đại diện Bến xe khách Mỹ Đình đã mời nhà xe tôi lên, doanh nghiệp chúng tôi là bên thứ 2 lên xí nghiệp xe khách ký hợp đồng. Lúc đó bến xe còn rất trống, tại đây mới có các nhà xe về các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An. Nhà tôi đã vay ngân hàng hàng tỷ đồng để đầu tư các xe khách tốt nhất, an toàn nhất để phục vụ bà con. Tuy nhiên Sở GTVT và UBND TP Hà Nội lấy lý do là tắc ùn tắc giao thông, tắc đường "đuổi" nhà xe chúng tôi về Nước ngầm. Trong khi đó bến xe Mỹ đình trong 4 năm trở lại đây hoạt động rất ổn định”.
Dù chưa thực sự đồng thuận với quy định mới nhưng sáng nay, các chủ xe, lái xe vẫn chấp hành yêu cầu của các lực lượng chức năng tại bến.
Giám đốc bến xe Mỹ Đình xác nhận có môt số xe bỏ bến. Ông đã báo cáo Sở GTVT Hà Nội và đang cùng các cơ quan chức năng họp bàn phương án giải quyết.
Từ 8h, người dân đã đứng hàng dài chờ xe |
Lực lượng chức năng được huy động để đảm bảo an ninh trật tự tại bến Mỹ Đình. |
Các nhà xe đồng loạt không nhận khách, khiến nhiều người "bơ vơ" |
Nhiều hành khách mệt mỏi, lo lắng khi phải đợi xe hàng giờ liền. |
Hành khách chạy theo xin lên nhưng nhà xe từ chối |
Theo đó, Sở sẽ điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, chuyển về bến xe Nước Ngầm.
Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giám Bát, Yên Nghĩa, chuyển về bến xe Mỹ Đình.
Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, chuyển về bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.