Xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng

(PLVN) - Đánh giá cao việc Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 này sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị cần xem xét điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh để kích thích thị trường tiêu dùng.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu trên được Đại biểu đưa ra tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 25/5, thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề Vviệc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Sự thất bại của gói lãi suất 2% “chưa hẳn là thất bại”

Phát biểu tại phiên họp, nhìn nhận về chậm triển khai Nghị quyết số 43, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lại cho rằng chính việc chậm triển khai này lại khiến Nghị quyết mang lại hiệu quả.

“Vì nếu triển khai mạnh khi mới ban hành vào đầu 2022 thì Nghị quyết 43 sẽ bơm thêm vào bong bóng tài sản lúc đó đang phình to. Nhưng vì việc triển khai Nghị quyết 43 chậm, vào lúc bong bóng đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình hạ cánh, nên Nghị quyết 43 có tác dụng giúp Việt Nam “hạ cánh mềm”, thay vì “hạ cánh cứng” như nhiều nước khác”, Đại biểu nhận định.

Cũng theo Đại biểu, sự thất bại của gói lãi suất 2% vốn chỉ giải ngân được 3,05% nhìn ở khía cạnh nào đó cũng “chưa hẳn là thất bại”. Bởi, Đại biểu cho rằng, nếu gói này hoạt động tốt, chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát của năm 2011.

“Vì những yếu tố đó, Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và EU. Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội nhưng vẫn được coi là ổn”, Đại biểu nhấn mạnh.

Rút ra một số bài học từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết, Đại biểu cho biết, trong bối cảnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi, các chính sách nên ưu tiên tính khả thi.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp.

Một bài học khác được Đại biểu nhấn mạnh là tập trung vào tính thời điểm. “Một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai, chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống”, Đại biểu cho hay.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra

Đề cập đến nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặc biệt quan tâm tới tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục.

Cùng với đó là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Theo Đại biểu, đây là 2 nguyên nhân chính và là rào cản lớn nhất hiện nay dẫn đến tình trạng làm trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết số 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Tán thành việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43 như dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội, để Nghị quyết số 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp cả nước đang bị “kiệt sức”.

Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để tạo cơ sở, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Theo Đại biểu, hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sẽ khắc phục đươc tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Khẳng định bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 – 2025 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện hoàn thiện việc phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị cần tiếp tục các chính sách nhằm kích thích tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu.

“Trên thực tế việc giảm thuế và phí 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng. Tôi đánh giá rất cao vì Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 này, đồng thời kiến nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh”, Đại biểu nói.

Một kiến nghị khác được Đại biểu đưa ra là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam; chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Đọc thêm