Chỉ 8% yếu kém
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa cho công bố bảng đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng đối với các nhà thầu xây lắp, tư vấn các công trình giao thông tại các dự án do Bộ này quyết định đầu tư trong năm 2014.
Kết quả, 442/515 nhà thầu được xếp hạng “nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu”, 30 nhà thầu được xếp hạng “trung bình”, số yếu kém chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ - 8,4% (43/515 nhà thầu). Đối với các nhà thầu tư vấn, Bộ này xếp hạng các đơn vị theo từng lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không) từ cao xuống thấp, theo top 10 đến top 100 và nhóm còn lại.
Việc công bố kết quả thực hiện và xếp hạng các nhà thầu nói trên, theo Bộ GTVT là dịp tốt để các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này tự “sửa mình” hoặc phấn đấu để thay đổi thứ hạng trong bảng tổng xếp hàng năm. Ngoài ra, hoạt động trên cũng là hình thức để “bạch hóa” thông tin về các công trình dự án cũng như nhà thầu... theo đúng tinh thần của Luật Đấu thầu.
“Với các nhà thầu xây lắp, khi bị đánh giá ở mức “chưa đáp ứng yêu cầu” hoặc mức “trung bình”, Bộ GTVT khuyến cáo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không lựa chọn tham gia dự án. Lý do Bộ đưa ra yêu cầu cao đối với các nhà thầu tư vấn thiết kế vì chất lượng của tư vấn tác động trực tiếp đến giá thành, khả năng tiết giảm tổng mức đầu tư của công trình. Với những dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu, Bộ yêu cầu chỉ lựa chọn những nhà thầu tư vấn được xếp hạng trong top 20 tham gia tư vấn chính.” - ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) khẳng định.
Liệu có nương tay?
“Sao”, hạng rõ ràng nói lên phẩm cấp nhà thầu. Điều đó có nghĩa hạng càng cao thì “cửa” vào thầu tại các dự án càng lớn. Vì thế, các nhà thầu chắc chắn muốn có tấm “thẻ ưu tiên” này để qua “cửa” đấu thầu, vì thế không loại trừ khả năng ít nhiều có sự du di khi tiến hành chấm điểm nhà thầu? Nhất là khi thực tế hiện nay, việc đánh giá, xếp hạng năng lực doanh nghiệp xây lắp và tổ chức tư vấn, Bộ GTVT đang cơ bản dựa trên sự tổng hợp, báo cáo và đề xuất từ các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, Tổng cục, Cục và các Sở GTVT trình lên nên không thể không có tình trạng đại diện chủ đầu tư hay Ban Quản lý dự án nói tốt hoặc “che” lỗi cho nhà thầu?
“Việc đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng do Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì trên cơ sở tổng hợp từ các Ban Quản lý dự án gửi về trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trước khi cho điểm chính thức, tất cả các thông tin do dưới trình lên, Cục đều chuyển cho các Vụ chuyên môn như Kết cấu hạ tầng, Kế hoạch Đầu tư xem xét, kiểm tra và cho ý kiến trước khi ra quyết định cuối cùng.” - Phó Cục trưởng Phan Quang Hiển chứng minh tính khách quan, chính xác của các bảng xếp hạng vừa công bố.
Lý thuyết là vậy nhưng không thể không đặt câu hỏi có hay không sự nương tay? Bởi trong những lần xếp hạng trước đây đã từng xảy ra tình trạng nhà thầu bức xúc khiếu nại lên Bộ GTVT về chuyện rớt hạng hoặc xếp hạng chưa đúng với năng lực thực tế của nhà thầu tại các dự án dùng vốn ngân sách.
“Năm nay, cũng có một vài ý kiến từ phía nhà thầu, nhưng nhìn chung ít hơn so với những năm trước. Họ chỉ gọi điện thắc mắc việc xếp hạng trong lĩnh vực tư vấn. Nhưng sau khi được chúng tôi phân tích, dẫn chứng lỗi - phải cụ thể nên cơ bản “tâm phục, khẩu phục” với quyết định của Bộ.” - ông Hiển lý giải về điều dư luận đang quan ngại.
Cũng vấn đề này, một số doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu các dự án giao thông kiến nghị việc chấm điểm hàng năm đối với các doanh nghiệp, Bộ GTVT nên thống nhất gọi là “đánh giá kết quả thực hiện các dự án, công trình” thay vì “xếp hạng” vì thực tế kết quả đánh giá này cũng chỉ mang tính tương đối, thể hiện qua ba mức “đáp ứng yêu cầu”, “trung bình”, “chưa đáp ứng yêu cầu”.
“Ví dụ, có những dự án do các tổng công ty lớn trong, ngoài ngành Giao thông tham gia đấu thầu rồi sau đó họ lại giao việc cho các công ty thành viên trực thuộc mình thi công xây lắp. Nhưng nhỡ ra “ông con” làm ăn bầy hầy không đạt yêu cầu mà xếp hạng đối với “tổng” mẹ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của họ, nhất là đối với những công ty, tập đoàn uy tín, lâu năm.” - một cá nhân am tường lĩnh vực này lưu ý.
Quan sát thấy năm nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các đơn vị đứng trong top đầu các bảng xếp hạng khá hồ hởi về vị trí của mình, bởi hoạt động gắn “sao” này, với nhà thầu giống như một “bảo bối” để nói chuyện với các chủ đầu tư khi dự thầu.
Trong khi Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - đơn vị chủ trì, tham mưu việc xếp hạng thì lại cho rằng thứ hạng chỉ có giá trị “tham khảo” đối với các chủ đầu tư chứ không phải là tiêu chí quyết định việc lựa chọn nhà thầu khi tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu các dự án do Bộ này quyết định đầu tư.
Ba vụ, cục cùng cho điểm
“Việc đánh giá, xếp hạng nhà thầu do Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì trên cơ sở thông tin tổng hợp do các Ban Quản lý dự án gửi về. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, trước khi xếp hạng, tất cả các báo cáo tổng hợp do dưới trình lên, Cục đều chuyển cho các Vụ: Kết cấu hạ tầng, Kế hoạch Đầu tư xem xét, kiểm tra và cho ý kiến rồi mới đi đến quyết định cuối cùng nhằm đảm bảo sự khách quan cao nhất có thể.” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Phan Quang Hiển.