Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 10: Phút chót vẫn 'hồi hộp'

(PLVN) - Hiếm có kỳ xét tặng Nghệ sỹ Nhân dân (NSND), Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) nào hồi hộp và kéo dài như lần thứ 10 này. Lẽ ra kết quả đã phải công bố dịp Quốc khánh 2/9 năm 2022, cách đây hơn một năm.
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX năm 2019.
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX năm 2019.

Tháng 8/2023, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Năm nay chắc chậm tí”. Người trong cuộc là các nghệ sỹ và những người quan tâm kỳ vọng Quốc khánh 2/9 năm 2023 công bố, nhưng mốc thời gian này đã qua đi.

Từ tháng 8/2023, Bộ VH,TT&DL đăng tải trên trang thông tin của Bộ danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, để lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân đã được tiến hành trong 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong danh sách đề nghị NSND, có 139 hồ sơ. Cho đến nay, 77 người đạt tiêu chí, đã được thông qua.

Để đạt được danh NSƯT, NSND, phải có tiêu chí cụ thể. Đó là, có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân).

Một số trường hợp đặc biệt được xem xét là: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến xuất sắc, thành tích đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Để được xét tặng NSND, nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật liên tục hoặc cộng dồn theo số năm nhất định (20 năm với NSND, 15 năm với NSƯT) và có được một số giải thưởng Vàng, Bạc (quy đổi phù hợp với từng danh hiệu) tại các giải thưởng chuyên nghiệp, các Hội diễn toàn quốc...

Theo quy định, một trong những tiêu chí của NSND (tính từ khi được phong tặng NSƯT đến NSND) là cá nhân phải đoạt 2 giải Vàng quốc gia; có nhiều thành tích và cống hiến nổi bật xuất sắc.

Riêng những NSƯT đã nghỉ hưu, nếu không có điều kiện tham gia các cuộc thi, thì phải có tài năng thực sự, có sáng tạo thành tích nổi trội và cống hiến xuất sắc; phải có sức lan tỏa và nổi trội đặc biệt; tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước, giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật... dù không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét tặng danh hiệu.

Hai từ “cống hiến”, dường như đang được vận dụng với một số nghệ sỹ có “thâm niên” phục vụ. Có nghệ sỹ đã về hưu lâu năm, không còn hoạt động nghệ thuật, công chúng không biết đến nhưng vẫn làm hồ sơ, là do quy định này. Do vậy, đã có một số ý kiến cho rằng một số người đạt danh hiệu NSND nhưng nhân dân ít biết mặt, biết tên.

Còn nhớ, năm 2021, NSƯT Xuân Hinh, một nghệ sỹ nhiều người biết đến, cũng “trượt” NSND, dù ông đã quan niệm “Hạnh phúc nhất là được nhân dân ghi nhận”. Lần xét tặng thứ 10 này, NSƯT Xuân Hinh cũng không có tên.

Thực tế đa số những NSND xứng đáng là những “tượng đài” thực sự trong làng ca hát. Nhân dân ngưỡng mộ họ là hoàn toàn xứng đáng. Đó là những thước đo chuẩn mực. Cơ quan chức năng không thể bỏ sót tài năng; nhưng cũng không quá dễ dãi, thiếu công khai, minh bạch trong việc tham mưu, đề xuất danh sách xét tặng NSND, NSƯT.