Một thí sinh đăng ký…48 nguyện vọng!
75% trong số gần 860.000 thí sinh (TS) dự thi THPT quốc gia 2017 đã đăng ký xét tuyển đại học. Con số này tăng mạnh so với năm 2016 trong khi chỉ tiêu đại học năm nay lại giảm gần 20%. Các chuyên gia đều khẳng định, việc trúng tuyển đại học hay không phụ thuộc chính vào sự lựa chọn của TS khi đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường phù hợp năng lực của mình chứ không phải phụ thuộc vào số nguyện vọng đăng ký. Với việc không hạn chế nguyện vọng đăng ký, số TS đăng ký xét tuyển đại học năm nay tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu giảm sẽ là bài toán TS cần cân nhắc khi còn một cơ hội nữa để thay đổi nguyện vọng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường đại học tại thời điểm này cho thấy, tổng số nguyện vọng được thống kê đến thời điểm hiện tại là con số rất ảo do không giới hạn nguyện vọng đăng ký. Một TS đồng thời có thể đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Do vậy, số lượng nguyện vọng được TS đăng ký vào các trường dù rất lớn nhưng không thực chất. Đặc biệt, năm nay, một TS đã đăng ký số nguyện vọng xét tuyển “khủng” lên tới 48 nguyện vọng đã làm dư luận... “sốc”. Tuy nhiên, lý giải điều này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng điều đó không quá ngạc nhiên. Vì số nguyện vọng quá lớn nên đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, TS này sẽ được hội đồng tuyển sinh xét tuyển theo hình thức thủ công, không đưa vào phần mềm tuyển sinh.
Phân tích của một số trường tốp giữa cho thấy, số TS đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này có nghĩa là TS đăng ký nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp và đạt đủ điểm chuẩn của trường thì mới có khả năng trúng tuyển. 80% TS với số nguyện vọng còn lại chỉ trúng tuyển vào trường sau khi rớt nguyện vọng 1 vào các trường đã đăng ký nên độ ảo rất lớn.
Sau khi các trường phía Nam thống nhất nhóm xét tuyển lên đến gần 80 trường, ở phía bắc có 42 trường tham gia nhóm xét tuyển. Đại diện các trường đại học đều cho rằng, xét tuyển theo nhóm lớn sẽ có lợi cho trường, nhưng không ảnh hưởng gì đến TS. Bởi lẽ, năm 2016, dù TS chỉ đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1, nhưng hầu hết các trường đều gặp tình trạng TS ảo. Nếu trường xét tuyển độc lập rất khó xác định được điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến đảm bảo lọc được TS ảo. Bởi TS điểm cao sẽ trúng tuyển vào nhiều trường.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Năm nay đăng ký nguyện vọng cũng khác với năm ngoái, chính vì thế việc thành lập một nhóm các trường đại học để sàng lọc trước khi trường ra một quyết định điểm chuẩn tôi nghĩ là cần thiết. Việc đó sẽ giúp cho trường ra một điểm chuẩn chính xác nhất và tuyển được các em có nguyện vọng tốt nhất cũng như là đầu vào tốt nhất. Nếu số trường tham gia nhóm xét tuyển càng đông thì tỷ lệ TS ảo càng giảm”.
Hóa giải băn khoăn thang điểm thay đổi
“Nguyên tắc của thang điểm nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia. Cho nên khi các trường tham gia nhóm, không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm”. Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc khi trao đổi về quy trình, phương thức thực hiện trong nhóm xét tuyển.
Để làm những việc đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với các tường đại học trong khu vực đã bàn bạc và đưa ra quy trình xét tuyển, có thể năm nay sẽ là 40-50 trường ở khu vực miền Bắc tham gia nhóm xét tuyển thì công việc chuẩn bị không phức tạp hơn năm trước, bởi vì năm nay theo quy chế tuyển sinh, việc các em đăng kí nguyện vọng đã được thực hiện trước và toàn bộ dữ liệu ấy đã có trong cơ sở phần mềm chung của Bộ GD-ĐT.
Chúng ta cũng không chỉ có thang điểm 30 mà chúng ta có thể có thang điểm 40, rồi có những thang điểm khác khi mà các trường có những môn xét tuyển riêng chẳng hạn như môn năng khiếu hay xét tuyển theo học bạ. Cho nên việc thang điểm nào đưa ra là hoàn toàn do các trường, phần mềm chấp nhận được việc đó, không cần thiết thống nhất về thang điểm 10-30 hay 40. Đó hoàn toàn là quyền tự chủ của các trường xác định.
Còn Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc thành lập nhóm xét tuyển, các trường đều có lợi, ngay các TS cũng có lợi. Bởi vì khi các trường xác định được chuẩn xét điểm vào các ngành thì các TS sẽ không bị trượt oan.
Hiện nay theo số liệu thống kê TS đăng kí có thể chia 2 nhóm nhóm phía Nam từ Quảng Bình trở vào, nhóm phía Bắc từ Hà Tĩnh đổ ra. 2 nhóm đã hình thành và ngồi với nhau để chuẩn bị phối hợp trong công tác xét tuyển. Hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới quyền tự chủ của các trường. Việc thành lập nhóm này, các trường sẽ tự lọc ảo trong nhóm. Nhóm phía Bắc lọc ảo khu vực phía Bắc. Nhóm phía Nam lọc ảo phía Nam. Sau đó thì 2 nhóm cùng đưa ra cổng thông tin của Bộ. Bộ sẽ lọc những học sinh chuyển từ phía Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Như vậy mỗi TS chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất vào hệ thống của trường trong cả nước, nên các trường sẽ không có TS ảo nữa.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết từ 8h ngày 15/5 đến 17h ngày 16/5, Bộ sẽ mở cổng thông tin tuyển sinh để các trường tải toàn bộ cơ sở dữ liệu TS đăng ký xét tuyển đợt 1 vào trường mình để nghiên cứu, tham khảo.