Xét tuyển học bạ - cần điều kiện để đảm bảo công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xét tuyển học bạ trong tuyển sinh được cho là phương án tối ưu trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vừa qua với những thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt NV1, xét tuyển học bạ đang được xem là giải pháp tiến bộ.
Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 có thể tham khảo các trường đang xét tuyển bổ sung.
Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 có thể tham khảo các trường đang xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, đối với không ít thí sinh điểm trên học bạ lại khá chênh so với điểm thực, vấn đề đặt ra là xét tuyển sao cho công bằng?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cả nước có 61 thí sinh có điểm thi từ 29,5 trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã phản hồi thông tin báo chí phản ánh về việc 58 thí sinh xét tuyển vào các trường công an nhân dân (CAND) đạt trên 29,5 điểm nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Theo đó, qua kết quả tra soát, Cục Đào tạo, Bộ Công an khẳng định, kết quả xét tuyển đại học của các trường CAND là hoàn toàn chính xác, không có tình trạng bỏ lọt thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển. Cục đã tra soát danh sách 58 thí sinh theo thống kê của Bộ GD-ĐT để kiểm tra cụ thể từng thí sinh.

Kết quả cho thấy, 58 thí sinh đều đăng ký xét tuyển vào các trường CAND ở nguyện vọng 1, điểm các thí sinh đều từ 29,25 trở lên (theo cách tính điểm của Bộ GD-ĐT với công thức điểm 3 môn thuộc tổ hợp cộng với điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) và không trúng tuyển vào các trường CAND đã đăng ký.

Tuy nhiên làm sao để xét tuyển học bạ công bằng? Đây là câu hỏi được đặt ra vào mỗi mùa tuyển sinh, từ khi các trường ĐH, CĐ được áp dụng tiêu chí này. Nếu trước đây phương thức xét tuyển học bạ thường phổ biến ở những trường ngoài công lập thì nay các trường ĐH công lập, thậm chí là các trường tốp đầu cũng xét tuyển học bạ. Sau hai năm sống trong đại dịch, phương thức này được xem là giải pháp an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh không bị quá phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Và với điểm thi từ 29,25 điểm trở lên so với điểm học bạ các môn thi tương ứng ba năm THPT không đạt 6,5 điểm, 58 thí sinh trượt NV1 ngành công an mới được tra soát vì không đủ điều kiện ở trên, dư luận đưa ra nhiều tình huống. Hoặc là các thí sinh sau khi thực hiện nghĩa vụ đã quyết tâm nỗ lực ôn thi để được đứng trong ngành công an. Tuy nhiên, các thí sinh này đã không chú ý tới điều kiện xét tuyển qua học bạ suốt ba năm phổ thông để được vào trường.

Theo một chuyên gia giáo dục, xét tuyển bằng học bạ là một phương thức tiến bộ, nhưng nó sẽ là tai họa nếu chất lượng giáo dục phổ thông không được đánh giá chính xác và không đảm bảo được sự công bằng trên cả nước. Bởi trên thực tế đã từng xảy ra hiện tượng “làm đẹp học bạ”. Khi mà bệnh thành tích không dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều, dù ngành giáo dục đã đặt ra mục tiêu “học thật, thi thật, chất lượng thật”.

Có thể nói, xét tuyển bằng học bạ là một cách làm khá phổ biến trên thế giới, song ở các nước tiên tiến đi kèm luôn là những điều kiện và sự đảm bảo cho tính minh bạch cũng như chất lượng thật sự và công tâm công bằng. Thế nên mới có chuyện một số trường ĐH lớn mỗi năm cho thôi học hàng trăm, hoặc hàng ngàn thí sinh. Đây cũng là xu thế chung của thế giới, vào ĐH dễ, nhưng ra trường được hay không chính là nỗ lực không ngừng của mỗi thí sinh.