Xét xử đường dây 'tín dụng đen' quy mô lớn và manh động nhất từ trước đến nay

(PLVN) - Sau hai lần hoãn, sáng qua, 11/2, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với bị cáo Nguyễn Đức Thành và đồng phạm với các tội danh “Cố ý gây thương tích“; “Giữ người trái pháp luật”; “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đây là vụ án liên quan đến Công ty Tài chính Nam Long, một tổ chức hoạt động “tín dụng đen” có quy mô lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay.
Các đối tượng trong phiên xử
Các đối tượng trong phiên xử

Theo cáo trạng, khoảng tháng 7/2017, Nguyễn Cao Thắng và Thành cùng nhau góp vốn làm ăn chung dưới hình thức cho vay lãi, lấy tên Công ty Tài chính Nam Long (nhưng không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng), đặt trụ sở chính tại quận 1, TP HCM, do Thành làm Giám đốc.

Để quản lý hoạt động cho vay, Thành đã lập 6 miền, mỗi miền phụ trách hoạt động cho vay từ 2- 5 khu vực, bổ nhiệm một người làm quản lý miền; thành lập 25 khu vực (chi nhánh Công ty ở 63 tỉnh, thành trên cả nước). Mỗi chi nhánh Công ty (khu vực) phụ trách hoạt động cho vay từ 2-4 tỉnh, bổ nhiệm một người làm quản lý khu vực. Mỗi khu vực đều thuê nhà làm trụ sở giao dịch, thực hiện việc cho vay và sinh hoạt cho cả quản lý cùng nhân viên chi nhánh, lấy vỏ bọc đăng ký kinh doanh là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Kỹ thuật xây dựng Thành Nam.

Từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2018, Thành và các đồng phạm (gồm quản lý 6 miền và quản lý 24 khu vực) đã cho 95 khách hàng trên cả nước vay tổng số tiền 32.600.000.000đ, với lãi suất cho vay từ 182,5-365%/năm (cao hơn nhiều lần so với quy định) thu lời bất chính tổng số tiền hơn 8,6 tỷ.

Ngoài ra, Thành và đồng phạm còn gây ra vụ cố ý gây thương tích và giữ người trái pháp luật. Ngày 06/7/2018, Nguyễn Văn Minh (nhân viên thu nợ của Nam Long) lấy xe máy nhãn hiệu Jupiter màu đỏ đen của chi nhánh Công ty (khu vực 21) đóng tại tỉnh Bắc Cạn đi đòi nợ được 16,5 triệu đồng sau đó bỏ trốn.

Ngày 09/7/2018, Thành chỉ đạo Trần Văn Phiên, Đoàn Minh Cương, Bùi Văn Chung, Nguyễn Thành Long, Vũ Văn Thanh và Ngô Văn Chương lên Sóc Sơn, Hà Nội, tìm lấy lại xe máy cùng 16,5 triệu đồng và đánh, gây thương tích cho Minh. Sáng ngày 10/7/2018, Ngô Văn Chương (Quản lý khu vực 18) đưa Minh về giữ tại tầng 3 chi nhánh Công ty tại lô 07, đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Chương cử người theo dõi, không cho Nguyễn Văn Minh ra khỏi nhà, không cho sử dụng điện thoại. Đến ngày 19/7/2018, thấy nạn nhân kêu đau, khó thở, Chương đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó. Theo kết luận giám định, nạn nhân tử vong do suy tuần hoàn do giập, rách lá lách trên cơ thể đa chấn thương.

VKSND tỉnh Thanh Hóa đã truy tố Nguyễn Đức Thành, Bùi Văn Chung, Nguyễn Thành Long, Vũ Văn Thanh về tội “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngô Văn Chương bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”, “Giữ người trái pháp luật”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra, có 16 đối tượng khác bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Dự kiến, phiên tòa diễn ra đến ngày 14/2.

Trước đó, vào các ngày 25/11/2019 và 13/1/2020, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử vụ án này, nhưng hoãn, do thiếu vắng các luật sư bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Liên quan nạn “tín dụng đen”, mới đây Công an Thừa Thiên - Huế phối hợp Công an Nghệ An đã triệt xóa 6 điểm cho vay nặng lãi tại hai tỉnh, bắt giữ nhiều đối tượng.  Năm cơ sở cho vay nặng lãi bị triệt xóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều là chi nhánh thuộc Công ty TNHH MTV Phát triển TMDV Tổng hợp Tín Đạt (trụ sở chính 22 đường Lê Việt Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, do Nguyễn Sỹ Trung, 43 tuổi, trú TP Vinh, là người đứng đầu).

Trung đứng ra làm hợp đồng thuê mặt bằng và làm giấy ủy quyền cho 5 đối tượng làm quản lý hoạt động tại 5 cơ sở. Năm đối tượng này đứng ra tuyển và thuê nhân viên làm việc tại cơ sở mình quản lý. Mỗi cơ sở có từ 4-6 nhân viên làm nhiệm vụ giao dịch trực tiếp, xử lý nợ và quản lý.  

Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này là yêu cầu người vay tiền đưa ô tô, xe máy có đăng ký chính chủ, CMND của người vay và làm thủ tục mua tài sản trên, sau đó sử dụng tài sản này làm hợp đồng cho người vay thuê tài sản. Người vay muốn vay bao nhiêu tiền thì đối tượng định giá để mua tài sản tương ứng.

Với những cá nhân không có tài sản nhưng vay số tiền thấp, các đối tượng vẫn thực hiện thủ tục cho vay. Hoạt động cho vay, phương thức cho vay, cách thức quản lý tiền cho vay và tiền thu nợ… được các đối tượng thực hiện trên phần mềm và phần mềm này do đối tượng Dũng theo dõi, quản lý.  Lãi suất các đối tượng cho vay dao động từ 109.5%/năm đến 182.5%, thậm chí có trường hợp cho vay với lãi suất hơn 700%/năm.

Theo điều tra ban đầu, chỉ tại Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8/2016, các đối tượng đã cho 1.420 người với gần 21.000 hồ sơ vay, tổng số tiền cho vay hơn 21,2 tỷ đồng; số tiền thu lợi bất chính hơn 4,6 tỷ.

Đọc thêm