Ước nguyện xé lòng của 2 bà cháu
Ngày 9/7 vừa qua, TAND TP HCM tuyên bản án tử hình đối với Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) về tội “Giết người”, 8 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là tử hình. Khi được nói lời sau cùng, tử tù giết 5 người ở quận Bình Tân này đã xin được hiến tạng cho y học. “Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản” - Tình nói.
Nghe tin Tình xin hiến tạng, bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1950, ấp Kinh Mới, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) - bà nội của bé gái Nguyễn Thị Yến N (SN 2002) bị tình địch của mẹ tạt axít đến mù lòa có nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù này. Theo bà Tâm, suốt 6 năm qua, cháu nội của bà phải sống trong cảnh tàn phế. Tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày của bé N đều do một tay bà Tâm chăm sóc.
Trước đó, 17/6/2012, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (SN 1984, ngụ xã Hòa Bình; đang chấp hành án phạt tù 18 năm về tội “Cố ý gây thương tích”) vì ghen tuông chồng mình có quan hệ tình cảm với Võ Thị Thùy L (SN 1987, mẹ bé N) nên đã dùng axít tạt thẳng vào người hai mẹ con N. Hậu quả, bé N bị mù cả hai mắt, toàn thân biến dạng với tỷ lệ thương tật đến 96%; L cũng bị bỏng, tỷ lệ thương tật 81% vĩnh viễn.
Do vết thương quá nặng, cả hai được chuyển lên bệnh viện ở TP HCM điều trị. Suốt 13 tháng lấy bệnh viện làm nhà, gia đình quá nghèo khó, bà Tâm đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để lo cho đứa cháu nội và đến giờ vẫn không có khả năng chi trả.
Dù cuộc sống trước mắt còn muôn vàn khó khăn nhưng bà Tâm cho biết, sẽ cố gắng lo lắng cho cháu nội đến hơi thở cuối cùng. Bởi, bây giờ cháu N chỉ biết trông cậy vào bà khi cha và mẹ ruột của N mỗi người đều đã lập gia đình mới, có cuộc sống riêng tư.
“Lúc điều trị, các bác sĩ cho biết còn chút hy vọng mong manh trong việc tìm lại ánh sáng cho N. nếu như có ai đó hiến tặng đôi mắt. Giờ hay tin có tử tù xin hiến tạng, tôi sẽ tìm cách liên hệ ngành chức năng xem kết quả thế nào. Nếu có điều kỳ diệu xảy ra, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, giúp đứa cháu bất hạnh có thể tìm lại ánh sáng như bao đứa trẻ khác” - bà Tâm nói.
Mô, tạng bị tiêm thuốc độc có thể sử dụng được không?
Đây không phải lần đầu có việc tử tù xin hiến tạng. Trước đó, Nguyễn Hải Dương (kẻ chủ mưu vụ thảm sát 6 người trong một gia đình Bình Phước) và Nguyễn Văn Kỳ (thủ phạm sát hại 2 người trong một vụ cướp tại Hà Nội) cũng có mong muốn tương tự. Liệu nguyện vọng của Tình cũng như những tử tù khác có được chấp nhận?
Nguyễn Hữu Tình (ảnh zing) |
Thậm chí, trước khi thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Hải Dương, trên một trang mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng, trước tình trạng thiếu nội tạng để ghép cho người sống, Bộ Y tế đã chấp thuận việc hiến nội tạng của Dương. Đại diện Bộ Y tế thời điểm đó đã khẳng định, những thông tin trên chỉ là tin thất thiệt.
Cộng đồng mạng cũng sôi nổi tranh luận trái chiều về việc này, trong khi ý kiến của một người từng được ghép tim hiến vào tháng 2/2018 cho biết: “Bản thân tôi từng tuyệt vọng vì chờ người hiến tim. Đứng trước sự sống và cái chết mong manh như ngọn đèn leo lét trước gió, tôi chỉ mong ai có lòng giúp mình chứ không nghĩ gì nhiều. Nếu giả sử có người tử tù hiến tim cho tôi thì tôi cũng sẵn lòng và cám ơn người đó chứ không sợ gen xấu sẽ nhiễm vào mình”.
Tuy nhiên, Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định hình thức và trình tự thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Vì thế, câu hỏi mà nhiều người đặt ra, sau khi tiêm thuốc độc, có thể lấy mô tạng của tử tù đó hay không?
Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) Nguyễn Hữu Hoàng - người trực tiếp thực hiện rất nhiều ca lấy giác mạc, cho hay, giác mạc chỉ lấy sau khi người hiến đã qua đời.
“Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào lấy được tạng của tử tù. Với tử tù tiêm thuốc độc, cũng giống như bệnh nhân bị rắn cắn hay bệnh dại, giác mạc không thể dùng được” - ông Hoàng nói.
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, vấn đề “tử tù muốn hiến xác” đã được mang ra bàn ngay khi luật đang trong quá trình soạn thảo. Thời điểm đó, việc thi hành án tử hình là xử bắn chứ chưa phải tiêm thuốc độc. Bên cạnh đó, thời điểm làm luật cũng không có nước nào lấy bộ phận cơ thể người từ tử tù. Việc lấy mô tạng từ tử tù pháp luật không cấm nhưng mô, tạng phải đảm bảo chất lượng.
“Khi thuốc độc tiêm vào cơ thể, vào các mạch máu thì cơ thể nhiễm độc, các bộ phận không thể sử dụng được” - TS Quang nói.
Vậy có thể lấy mô, tạng của tử tù trước khi thi hành án được hay không, TS Quang cho biết, việc thi hành án phải đảm bảo thể chất, tinh thần của tử tù, đảm bảo các thủ tục, quy trình trước khi thi hành án...
“Không ai lấy các bộ phận cơ thể người trước, bởi lẽ phải để tử tù được lành lặn trước tử hình. Hơn nữa, có những bộ phận chỉ lấy sau khi người hiến đã phải trong trạng thái chết não” - TS Quang khẳng định.
GS. TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, mặc dù bộ phận cơ thể người không ảnh hưởng gì đến gen ác hay thiện khi cho - nhận, nhưng ở một số nước, người nhận tạng bày tỏ quan điểm từ chối tạng của tử tù.
Do đó, ông cho rằng thay vì ngồi băn khoăn việc xin hiến tạng của tử tù thì chúng ta nên vận động người dân có ý nguyện thực hiện việc này sớm. Với con số khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, Phó Chủ tịch Hội ghép tạng hy vọng 1/10 trong số đó tự nguyện hiến tạng thì sẽ có 2.000 quả thận để ghép.
“Đây là nguồn rất lớn đang bỏ phí. Chỉ mong các tổ chức xã hội tập trung vào chuyện đó vì hiến tạng là điều tốt. Mình chết đi rồi nhưng những bộ phận cơ thể của mình sẽ tái sinh trong cơ thể người khác. Điều đó thật ý nghĩa” - Tổng Thư ký Hội ghép tạng bày tỏ.
Không thể vì một, hai trường hợp cá biệt mà sửa luật
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm Điều phối và ghép tạng quốc gia cũng trao đổi, theo quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đơn hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết được hiến xác, hiến mô, tạng.
“Quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác là như thế. Vậy, tử tù có phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự hay không? Hiện nay, thi hành án liên quan tới tử hình là tiêm thuốc độc. Về mặt y tế, một người tiêm thuốc độc rồi chắc chắn nguồn nội tạng sẽ không thể tiếp nhận và sử dụng được. Trong trường hợp đó, có người quan điểm cho rằng, chúng ta có thể lấy tạng trước khi tử hình, trước khi tiêm thuốc độc. Nếu như vậy phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, thay đổi hình thức tử hình có liên quan” - ông Phúc chia sẻ.
Từng trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho rằng có nhiều vướng mắc đặt ra nếu chấp nhận cho tử tù hiến tạng, hiến xác:
Thứ nhất, hiện nay tử tù bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên cơ thể, nguồn tạng sẽ không được đảm bảo. Ngoài ra, việc hiến tạng được tiến hành trước hay sau khi thi hành án cũng là một câu hỏi khó giải đáp.
Thứ hai, cần lưu ý đến cả vấn đề chất lượng mô, tạng trong trường hợp chấp nhận cho hiến bởi thực tế có nhiều tử tù mang rất nhiều bệnh tật, bệnh truyền nhiễm, thậm chí là HIV. Thứ ba, yếu tố tâm linh cũng là vấn đề cần quan tâm bởi nếu người được ghép tạng nghĩ đến việc trong cơ thể mình đang mang bộ phận của một tử tù từng phạm trọng tội thì chắc hẳn ai cũng có nhiều băn khoăn.
Về ý kiến cho rằng nên có hành lang pháp lý để đáp ứng nguyện vọng hiến tạng, hiến xác của tử tù, Thiếu tướng Quân nói: “Nếu quy định việc này thì nhất thiết phải quy định trong luật chứ không thể quy định trong văn bản dưới luật. Trên thực tế, rất ít trường hợp tử tù xin hiến tạng, hiến xác. Khi nào có nhiều trường hợp thì sẽ đưa ra bàn bạc chứ không thể vì một, hai trường hợp cá biệt mà sửa luật được”.
Có hay không gen ác độc?
Nhiều ý kiến cho rằng tội ác có khả năng di truyền vì xã hội từng có những gia tộc mà ông bà, bố mẹ, con cháu đều rất hung ác. Đã có nhiều nghiên cứu và tranh luận về vấn đề này nhưng vẫn chưa đạt đến thống nhất.
Tướng cướp Trần Ngọc Lâm, từng tổ chức và thực hiện hàng chục vụ lừa đảo, cướp của, giết người trên các địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình... Anh trai Lâm làm bảo vệ ở một cơ quan, từng dùng súng AK bắn chết 2 người.
Còn tội phạm Nguyễn Như Ngọc có bố mẹ đều là phạm nhân. Ngay sau khi sinh được ít ngày, Ngọc đã phải xa lìa mẹ và được một quảng giáo nhận làm con nuôi. Mặc dù được bú dòng sữa tốt, sống trong môi trường tốt, được mẹ nuôi rất yêu quý chiều chuộng nhưng đến 10 tuổi, Ngọc vẫn bỏ học, sau đó bỏ nhà đi lang thang. Ở tuổi 17-18, Ngọc trở thành côn đồ nguy hiểm. Ở nơi tạm giam khi 18 tuổi, Ngọc đã trở thành đầu gấu hung hãn, đánh đập dã man các phạm nhân khác.
Nhận thấy có những gia đình qua nhiều thế hệ đều phạm những tội lỗi giống nhau như trộm cướp, giết người, đĩ điếm..., nhiều ý kiến cho rằng hành vi phạm pháp có thể mang tính di truyền. Ngay từ cuối thế kỷ 19, bác sĩ Lambrojo (người Italy) - một nhà nhân chủng học và hình sự học nổi tiếng, đã cho rằng có một số người mang sẵn trong mình một loại hành vi bẩm sinh mà bản chất của nó là tội lỗi. Ông khẳng định, con người bình thường không thể trở thành tội phạm, mà kẻ thủ ác là do bố mẹ sinh ra.
Quay trở lại trường hợp Nguyễn Hữu Tình, cáo trạng mô tả hành vi tội ác (giết 5 người trong 1 gia đình) với những chi tiết vô cùng tàn độc, mất nhân tính, đặc biệt, ánh mắt lạnh lùng và những câu trả lời không có 1 chút gì hối hận của Tình tại tòa khiến nhiều người cho rằng, chưa nói đến luật pháp chưa cho phép thì cũng không nên sử dụng phần cơ thể của 1 tử tù như vậy.