Xin đừng cát cứ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ một mảnh giấy niêm phong dán trên cửa xe buộc người ngồi trong xe không được ra khỏi xe trong địa phận của tỉnh đó mà gây bão dư luận. Không một ai đồng tình với kiểu “niêm phong” đó cả bởi một lẽ đơn giản là nó đã tước đi chức năng tối thiểu và tối cần thiết của con người là bài tiết.
Xe tải được lực lượng chức năng chốt kiểm soát khu cảng Cái Lân dán tem kiểm soát
Xe tải được lực lượng chức năng chốt kiểm soát khu cảng Cái Lân dán tem kiểm soát

Chưa hết, cái tờ giấy niêm phong đó là biểu hiện quyền lực của chính quyền trong địa phận hành chính của địa phương đó, mặc dù đây là “sáng kiến” không giống ai và không tuân thủ theo những quy định chung của cả nước. Động thái đó là biểu hiện của sự cát cứ - một từ chỉ được dùng để chỉ một vấn nạn địa chính trị trong thời phong kiến. Giờ nó đã trở lại với tần suất nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông hiện đại trong cơn đại dịch COVID-19 này.

Nạn cát cứ được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau, hiện diện ở địa giới mỗi tỉnh. Giấy thông hành có giá trị ở địa bàn này nhưng không được chấp nhận ở địa bàn khác. Chứng nhận xét nghiệm âm tính cũng không còn giá trị khi vượt qua ranh giới của một địa phương khác. Việc áp dụng cách ly hay lấy mẫu xét nghiệm cũng vậy, mỗi một địa phương có cách hành xử khác nhau. Các phương tiện giao thông cũng lâm vào tình trạng tương tự, lưu thông qua các tỉnh thì được nhưng sẽ bị ách lại trước địa giới của một tỉnh có quy định “khác người”.

Nạn cát cứ đã phổ biến đến nỗi người đứng đầu Chính phủ phải ra sức nhắc nhở các địa phương không được tự ý ra các quy định trái với quy định chung của Chính phủ hoặc của Bộ Y tế. Nhắc thì vẫn nhắc nhưng làm thì vẫn tự ý làm, một lần nữa tình trạng “trên bảo dưới không nghe” lại có thêm nhiều dẫn chứng sống động từ thực tế.

Tình trạng cát cứ được giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có nhận xét xác đáng là người đứng đầu ở mỗi địa phương lo phải chịu trách nhiệm nếu để lơ là dịch bệnh và có thể bị khiển trách, kỷ luật, thậm chí mất ghế. Chung quy lại, họ lo cho chiếc ghế của mình mà có những động thái xâm hại đến quyền con người, thậm chí vi hiến.

Trước tình trạng này, tại các bàn hội thảo hay trên các diễn đàn thông tin đại chúng khác nhau đều đề xuất ý kiến thống nhất là cần xử lý những cán bộ lãnh đạo địa phương hoặc bộ, ngành không tuân thủ đúng tinh thần và phạm vi mà Nghị quyết 128/NQ-CP đã quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đó là cách tốt nhất đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng cát cứ đang diễn ra hiện nay.

Đọc thêm