Theo Phó Thủ tướng, các vấn đề xã hội nói chung, đặc biệt là giáo dục, đã tồn tại, tích tụ từ rất lâu và thường không thể giải quyết được ngay, mà phải có quá trình, có bước trung gian, không bao giờ hoàn hảo. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục xác định có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính, đặc biệt phải xoá bằng được bệnh hình thức, gian lận trong môi trường giáo dục.
Trước hết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, triển khai lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, xây dựng và công bố phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 vào năm 2019 theo hướng tiếp cận với giáo dục thế giới, đổi mới giáo dục đại học (ĐH). “Tuy nhiên, phần giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập dù đã bắt đầu nhưng chưa được chú ý”, Phó Thủ tướng nhận xét và khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống.
Bên cạnh việc ban hành khung khổ pháp lý, định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và phải vào cuộc, để sử dụng tốt nhất nguồn lực gồm khoa học, quản trị, nguồn nhân lực... Còn nhà trường là nhân tố then chốt, đi đầu trong học tập suốt đời. Đối với người học, chỉ khi giá trị của cá nhân được đánh giá dựa trên năng lực, tri thức thực sự thì mới tạo ra động lực học tập suốt đời mới bền vững.