Xoa dịu nỗi đau của hàng vạn gia đình liệt sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đi qua các cuộc chiến tranh, nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Đến giờ phút này vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa xác định được danh tính, đồng nghĩa với còn rất nhiều gia đình ngày đêm khắc khoải mong chờ “ngày trở về” của liệt sĩ...
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đơn vị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. (Ảnh: Báo Dân sinh)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đơn vị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Khó khăn không ít

Ngày 14/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150). Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2016, Viện Pháp y quốc gia bắt đầu tham gia Đề án 150 thực hiện giám định ADN các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đến nay Viện đã thực hiện giám định ADN hài cốt và thân nhân liệt sĩ đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, theo TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, Viện đã tiến hành nhận 5.504 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và 2.584 mẫu thân nhân so sánh. Trong đó, 2.286 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ do thân nhân và các Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh lấy mẫu và 3.218 mẫu sinh phẩm hài cốt do cán bộ Viện trực tiếp tham gia lấy mẫu tại các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) như NTLS Việt Lào, Bến Cát, Định Hóa, Anh Sơn, Kỳ Anh, Phổ Yên, NTLS ở Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Gia Lai, Bình Phước, Quảng Ngãi…

“Viện Pháp y quốc gia đã phân tích thành công 1.641 mẫu hài cốt liệt sĩ, đồng thời phân tích và so sánh với 946 mẫu thân nhân liệt sĩ, có 125 trường hợp ADN mẫu hài cốt liệt sĩ trùng mẫu thân nhân so sánh. Những mẫu hài cốt chưa có thân nhân so sánh được lưu giữ trình tự ADN trong ngân hàng gen… Ngoài những mẫu đã phân tích, Viện đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đi 22 lượt lấy mẫu tại gần 30 NTLS ở khắp các địa phương trên toàn quốc theo yêu cầu của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH. Hiện tại, Viện còn đang lưu giữ 2.152 mẫu sinh phẩm hài cốt để chờ phân tích ADN, đa phần là các mẫu chưa có thân nhân so sánh…” - ông Nhự cho biết.

Cũng theo Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, dù vẫn biết rằng công tác giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là không thể nề hà bởi sự chờ đợi của gia đình, thân nhân liệt sĩ là đã quá lâu dài, nhưng Viện cũng gặp không ít khó khăn. “Các mẫu hài cốt lâu năm càng ngày chất lượng mẫu càng kém, nên khi thực hiện ADN có khi phải tiến hành phân tích lặp lại nhiều lần, kết quả nhiều trường hợp không thu được trình tự ADN để so sánh với thân nhân để lưu giữ trình tự, hoặc có nhiều mẫu hài cốt thu được nhưng chưa có mẫu thân nhân để so sánh...”.

Ngày 17/7/2023, nhân 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trả lời truyền thông, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, thời gian qua Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã kết hợp với các cơ quan, các ban, ngành giám định được trên 1.000 gen ADN và tiến hành làm thực chứng (đưa các quân nhân - những người biết đồng đội hy sinh đến các nghĩa trang để tìm đồng đội). Hai phương pháp này đã giúp trả lại được tên cho trên 800 liệt sĩ.

Cũng theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, bên cạnh phương pháp thực chứng thì việc giám định ADN để trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ rất quan trọng. Nhưng nhiều mộ khai quật lên không thể lấy được mẫu phẩm, bởi vì xương đã mủn. Nhưng theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, khó cũng phải làm, bởi không làm thì không trả lại tên cho liệt sĩ.

“Tôi đã có kiến nghị với Ban Dân vận Trung ương, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng, nên chăng Nhà nước chúng ta thành lập Ngân hàng gen. Nếu thành lập được Ngân hàng gen này, thì mình làm khoảng 10 năm là được, chứ còn kéo lâu hơn nữa thì khó để mà trả lại tên làm cho các anh lắm”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cần phải được thực hiện khẩn trương

Để thực hiện Đề án 150, cán bộ Viện Pháp y quốc gia đã trực tiếp tham gia lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. (Ảnh: VPYQG).

Để thực hiện Đề án 150, cán bộ Viện Pháp y quốc gia đã trực tiếp tham gia lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. (Ảnh: VPYQG).

Là tiêu đề bài viết mới đây của ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công đăng tải trên trang truyền thông Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, hiện nay, trên cả nước vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính vì nhiều lý do. Đây là trăn trở lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân. Vì vậy, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo Quốc gia 515), đẩy mạnh chuyển trọng tâm tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm còn thiếu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phấn đấu tìm kiếm quy tập được 1.500 hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ, nâng cao năng lực, hiệu quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của các cơ sở giám định ADN.

Cũng theo ông Đào Ngọc Lợi, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả xác định danh tính cho liệt sĩ còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Đối với việc giám định gen, do hài cốt liệt sĩ chôn cất lâu năm đã phân hủy, nhiều hài cốt thực hiện di chuyển một số lần, nên phần lớn không bảo đảm chất lượng cho việc xét nghiệm ADN; thân nhân liệt sĩ tuổi cao, sức yếu, nhiều trường hợp đã mất cho nên khó xác định mối quan hệ huyết thống. Hồ sơ lưu trữ, sơ đồ an táng các liệt sĩ, nhân chứng lịch sử phần lớn đã mất nên việc rà soát, đối chiếu, kiểm chứng thông tin để khớp nối rất khó khăn; công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp.

Bên cạnh đó, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 chỉ quy định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin và chưa có thông tin, cho nên những mộ sai thông tin hoặc vừa sai vừa thiếu thông tin so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ không được cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ. Do chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và căn cứ thực chứng cho nên mỗi đơn vị, địa phương lại có cách hiểu khác nhau, dẫn đến trường hợp các liệt sĩ cùng đơn vị, cùng ngày và cùng nơi hy sinh, mộ cùng thiếu và sai thông tin, nhưng có liệt sĩ được xác định danh tính hài cốt, còn liệt sĩ ở địa phương khác lại không được xác định. Vì vậy, thân nhân liệt sĩ chỉ có thể đến thăm viếng, mà không thể làm thủ tục để nhận phần mộ người thân của gia đình mình.

Theo ông Đào Ngọc Lợi, từ tháng 7/2018, thân nhân liệt sĩ có thể truy cập website: thongtinlietsi.gov.vn để tìm kiếm hình ảnh bia mộ liệt sĩ tại gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Tại website: chinhsachquandoi.gov.vn, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị cũng đăng tải thông tin trích lục hơn 100.000 quân nhân hy sinh trong chiến tranh. Đây là nguồn dữ liệu rất quý giá đối với các thân nhân liệt sĩ trong hành trình tìm kiếm phần mộ người thân. Tuy nhiên, cả hai trang web này đều chưa cập nhật đầy đủ thông tin liệt sĩ, hình ảnh bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ, trích lục hồ sơ quân nhân. Việc truy cập vào hai trang web này cũng thường bị gián đoạn, gây cản trở việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Do đó, để thuận tiện cho thân nhân liệt sĩ tra cứu thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ, giảm bớt thời gian, công sức đi lại tìm kiếm, bên cạnh việc khắc phục sự cố về công nghệ, theo ông Đào Ngọc Lợi, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ thông tin liệt sĩ, hình ảnh bia mộ liệt sĩ, trích lục hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tin, mất tích trong chiến tranh, tạo sự liên thông dữ liệu giữa hai trang web kể trên.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, sai thông tin, vừa sai, vừa thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin, cơ quan chức năng cần sớm xem xét, sửa đổi quy định tại Nghị định số 131; hoàn thiện quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị, mang ý nghĩa nhân văn này.

Cùng với đó, nâng cao năng lực xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng cả phương pháp xét nghiệm ADN và thực chứng; tổng kết và đề xuất chế độ, chính sách và công tác bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ...

Miễn phí vận chuyển hài cốt liệt sĩ bằng tàu hỏa từ Nam ra Bắc

Là thông tin được Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Phan Sỹ Thao trao đổi với báo chí trong buổi gặp mặt báo cáo hoạt động năm 2024 diễn ra mới đây. Theo đó, gia đình các liệt sĩ có thể lên từ bất kỳ ga nào trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Khi có đủ giấy tờ thì đường sắt sẽ tiếp đón, xếp vé, xếp chỗ để hài cốt. Trong khoang hàng, các đơn vị đường sắt sẽ để một khoang hàng rất trang trọng để đặt hài cốt. Người thân sẽ được ngồi trong khoang hành khách.

Về phía ngành Đường sắt, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ áp dụng chính sách miễn cước vận chuyển hài cốt liệt sĩ trên toa xe hành lý các đoàn tàu khách chạy tuyến đường sắt Thống Nhất đi từ các ga phía Nam ra các ga khu vực miền Trung, miền Bắc. Đặc biệt, vé cho một hoặc hai hành khách là thân nhân của liệt sĩ đi cùng chuyến tàu/hài cốt liệt sĩ cũng được miễn phí. Chính sách áp dụng trên các đoàn tàu do Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý.

Theo đơn vị này, điều kiện để lên tàu là thân nhân liệt sĩ phải làm thủ tục vận chuyển ít nhất 2 giờ trước khi tàu chạy. Địa điểm làm thủ tục tại các ga có nhận chở hành khách và hành lý. Việc bọc hài cốt liệt sĩ do thân nhân hoặc người được ủy quyền làm thủ tục vận chuyển thực hiện, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng dịch, an toàn trong quá trình vận chuyển và được Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam xác nhận. Người thân liệt sĩ mua vé tại ga và xuất trình CCCD/Hộ chiếu còn hạn cùng với các giấy tờ như: “Giấy đề nghị vận chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương bằng tàu hỏa” của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (bản chính) và “Biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ” (bản chứng thực).

Đọc thêm