Xót lòng cán bộ THADS xin ra khỏi ngành

Một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức xin ra khỏi ngành hoặc nghỉ thôi việc là do chế độ đãi ngộ, thu hút chưa thực sự tương xứng với tính chất nguy hiểm, khó khăn, phức tạp của công tác THADS, nhất là ở địa bàn miền núi.
Kết quả công tác THADS được thể hiện qua những con số ngắn gọn, nhưng để đạt được các con số “tròn trĩnh” so với kế hoạch, mục tiêu của bộ, của ngành, các cơ quan THADS trên cả nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khắc phục các tồn tại, hạn chế vốn bắt nguồn từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhiều “rào cản” cần được giải quyết

Tính từ tháng 10/2010, tỉnh Thanh Hóa đã thi hành xong (gồm thi hành xong, đình chỉ, thi hành đều) là 2.775 việc/3.700 việc, đạt 75% trong số việc có điều kiện thi hành. Nhưng Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thanh Hóa Đào Anh Tuấn vẫn băn khoăn: “Đối chiếu với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp, kết qủa THADS trong 6 tháng đầu năm 2011 của THADS tỉnh Thanh Hóa chưa đạt chỉ tiêu bộ giao là phải thi hành xong 85% về việc và 65% về tiền trên số có điều kiện”.

Là một tỉnh có 11 huyện miền núi, hiệu quả THADS tỉnh Thanh Hóa không tránh được những “rào cản” do công tác cán bộ. Đến nay, dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng chất lượng cán bộ, công chức ngành THA tỉnh vẫn chưa cao, đặc biệt là ở những đơn vị miền núi. Trong khi thực thi công vụ, còn có cán bộ, Chấp hành viên “nặng”  tâm lý nể nang, e ngại dẫn đến chậm tiến trình giải quyết một số vụ việc.

Cục trưởng Đào Anh Tuấn cho biết, “tình trạng thiếu cán bộ thường xuyên xảy ra”. Nguồn cán bộ kế cận để bổ nhiệm Chấp hành viên, cấp phó, cấp trưởng của các đơn vị hiện đang thiếu. Trong khi đó, “vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức xin ra khỏi ngành hoặc nghỉ thôi việc” mà một trong các nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ chưa thực sự hấp dẫn, tương xứng với tính chất nguy hiểm, khó khăn, phức tạp của công tác THADS, nhất là ở những địa bàn miền núi.

Dù luôn được “mệnh danh” là cơ quan đảm bảo cho công lý được thực thi nhưng đến nay, một số trụ sở làm việc của các đơn vị THA trong tỉnh đã cũ, xuống cấp, chật hẹp, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Hầu hết các đơn vị không có kho tang vật. Cùng với những khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ, hàng ngày, cán bộ làm công tác THADS ở tỉnh Thanh Hóa còn phải đối mặt với tình trạng “khiếu nại, tố cáo từ cơ sở vẫn còn nhiều, có những vụ việc diễn biến phức tạp” bởi THA là một công việc nhiều phức tạp, liên quan đến quyền lợi, kinh tế, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém và chỉ ra nguyên nhân là cách để các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khắc phục, nhằm đạt được các mục tiêu trong những tháng còn lại của năm công tác. Ông Tuấn khẳng định: “Dù thời gian còn lại không nhiều nhưng các cơ quan THADS tỉnh Thanh Hóa vẫn quyết tâm vượt qua những khó khăn chồng chất, phấn đấu đạt các mục tiêu THA”. 

Trong những tháng cuối năm, THADS tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, phân loại chính xác về số án có điều kiện và số án không có điều kiện; hoàn thiện hồ sơ phối hợp xét miễn, giảm THA đối với 100% số việc thuộc diện miễn, giả; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; phấn đấu giải quyết xong ít nhất 60% số vụ việc khiếu nại, tồn đọng, phức tạp kéo dài thuộc thẩm quyền.

Quan trọng hơn cả là kiện toàn mạnh mẽ công tác cán bộ cả về số lượng, chất lượng trong toàn tỉnh, thông qua việc tuyển dụng nhân sự khách quan, đúng qui định, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Biệt phái chấp hành viên cấp tỉnh xuống chỉ đạo những đơn vị yếu kém; tổ chức học tập kinh nghiệm của một số đơn vị THA có thành tích xuất sắc, cách làm hay, hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh… cũng là các mà THADS Thanh Hóa đang áp dụng và hy vọng sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực.

Xuân Hương

Đọc thêm