Cay đắng cuộc đời hằn lên khuôn mặt bà lão. Bà không khóc được nữa, giọng chỉ rầu rầu: “Bình thường bốn đứa lên cơn một lượt là cả nhà này như nhà thương điên, chửi rủa không ngừng, kinh khủng lắm. Giờ một đứa chết, một đứa bị giam nên đỡ hơn rất nhiều. Hôm nay trời mưa nên tôi ở nhà, chứ nắng ráo là tôi đi lượm củi, hoặc vô chùa cho yên tĩnh, chứ ở nhà là chịu không nổi”.
Không người đàn ông nào trong gia đình thoát điên loạn
Người mẹ đáng thương được nhắc đến trong câu chuyện này là bà Lê Thị Bông (69 tuổi), ấp An Thuận, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Phóng viên đến lúc này bà lão đang cặm cụi siết chặt lại dây xích đứa cháu nội đang chửi rủa mình sa sả.
Bà lão phân trần: “Mọi người đừng để ý nó. Nó là con thằng chết, bị di truyền tâm thần từ cha mình. Thêm thằng ở tù và người con trai cả, nhà tôi có hết thảy bốn người bị bệnh”. Thế nhưng bác sĩ nói những người này “không nặng lắm”, không chịu giữ trong bệnh viện điều trị”.
Người mẹ già buồn rầu kể chuyện gia đình bi thương. |
Cay đắng cuộc đời hằn lên khuôn mặt bà lão. Bà không khóc được nữa, giọng chỉ rầu rầu: “Bình thường bốn đứa lên cơn một lượt là cả nhà này như nhà thương điên, chửi rủa không ngừng, kinh khủng lắm. Giờ một đứa chết, một đứa bị giam nên đỡ hơn rất nhiều. Hôm nay trời mưa nên tôi ở nhà, chứ nắng ráo là tôi đi lượm củi, hoặc vô chùa cho yên tĩnh, chứ ở nhà là chịu không nổi”.
Bốn mươi năm trước bà nên duyên chồng vợ với một người đàn ông cùng ấp và hạ sinh 7 "mặt con". Các con gái của bà đều phát triển bình thường, duy chỉ có những người con trai, sau nhiều năm sống, bất ngờ phát bệnh tâm thần.
Người vừa mất mạng là Đỗ Văn Mến (SN 1971), người con thứ tư của bà Bông. Sau khi thành hôn năm 22 tuổi, Mến trở nên ngơ ngẩn, thường xuyên đập phá, mạt sát người thân trong nhà. Cô vợ đành bỏ nhà đi sau hai năm chung sống.
Mến buồn bã, suốt ngày tìm đến men rượu để giải sầu. Từ đó, bệnh tình càng thêm nặng.
Đỗ Văn Phụng (SN 1976) là con trai út trong nhà và là người duy nhất trong số những người con trai thoát khỏi căn bệnh tâm thần quái ác, nhưng sống chung với người điên, đến người tỉnh cũng bị ảnh hưởng, cũng hóa điên loạn.
Hơn 5 năm trước, một lần Mến ngỏ ý xin mẹ cây xà ngang để xây nhà. Khi người mẹ còn do dự thì Phụng bất ngờ chen vào không đồng ý: “Để dành ráp giường cho mẹ có chỗ ngủ”.
Máu điên trỗi dậy, người anh trai liền vớ khúc cây quăng thẳng lên đầu em mình. Kết cục, Phụng bị chấn thương sọ não, phải khâu vết thương cả một lằn dài. Cũng từ đó, đứa em trở nên tưng tửng, hành động không thể kiểm soát, nhất vào những ngày nắng nóng.
Lời chọc ghẹo chết người “lớn tuổi mà như con nít”
Nhà có bốn người tâm thần, nhưng người khiến bà lão khổ cực hơn hết là con trai lớn Đỗ Văn Mến. Nhất là sau khi người chồng mắc bạo bệnh qua đời, bà lão trở thành trụ cốt chính trong nhà, một mình đảm đương hết mọi việc, nỗi khổ càng tăng gấp nhiều lần.
Mến tuy vướng bệnh nhưng lại là "bợm nhậu". Chỉ cần trái ổi, trái xoài, người này có thể uống rượu suốt ngày. Ngặt nỗi, xỉn vào, Mến lại có sở thích ngủ bờ ngủ bụi.
Người mẹ buồn rầu tâm sự: “Có lần nó xỉn quá, nằm giữa đường, bị xe ba gác cán ngang mông. Tôi phải bán ruộng, vay mượn thêm mới đủ tiền lo viện phí suốt một năm”.
Xuất viện, Mến vẫn không biết sợ, chứng nào tật nấy. Người mẹ biết tính, mỗi ngày đều lội bộ đi tìm, lục kiếm khắp nơi, đến nỗi bị mọi người vu oan rình rập “trộm cướp” hoặc độc mồm kết tội “kiếm trai”.
Dù rất đau buồn, mệt mỏi nhưng với tình thương con, bà không quản khó khăn. Tìm thấy con, bà lão lại dùng sức lực ốm yếu, khệ nệ dìu đứa con trai to xác về nhà. Thế nhưng người con không ngoan ngoãn ngủ yên, xỉn về lại chửi bới không tiếc lời rồi lại vung dao chém hết vật dụng trong nhà, quăng xuống mương. Có khi ngôi nhà mục nát sém đổ sập vì sự tàn phá của người đàn ông điên loạn.
Mến còn thêm tật bắt mẹ tắm rửa cho mình, sạch sẽ rồi mới lăn ra ngủ. Người mẹ già sợ sệt bỏ đi, ngủ nhờ nhà người khác, đến khi con bình tâm trở lại mới dám về dọn dẹp.
Người em tuy “tưng tửng” nhưng vẫn đủ nhận thức. Chứng kiến cảnh tượng anh trai đày đoạ mẹ già, Phụng đâm chướng mắt với anh. Không nói ra, nỗi tức tối cứ dồn nén âm ỉ trong lòng.
Đến ngày 28/2/2012, bùng phát tới mức đỉnh điểm. Khoảng 8h cùng ngày, hai anh em đi nhậu tại nhà một người bạn. Sau hơn hai tiếng đồng hồ nâng ly, mọi người đều ngấm men. Lúc này rượu vào lời ra, người em lè nhè trêu anh đầu gần hai thứ tóc còn làm khổ mẹ già.
Bị cười chê, người anh tức giận chửi bới. Khuyên tốt không nghe, người em liền đứng dậy rút thanh giường đánh mạnh vào người anh trai đến gãy đôi. Xong xuôi, cả hai tiếp tục ngồi nhậu như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Chân dung hung thủ tâm thần nhẹ Đỗ Văn Phụng. |
Ba tiếng đồng hồ sau, thấy anh trai cứ nhởn nhơ, không biết sợ, nghĩ việc “dạy bảo” vẫn chưa “thấm tháp”, Phụng lại moi chuyện cũ ra chửi tiếp. Người anh chưa kịp thốt lên nửa lời đã bị em mình một lần nữa vác thanh giường đánh mạnh vào đầu và vai.
Quá đau đớn, người anh vùng bỏ chạy, Phụng ngoan cố rượt theo, đạp anh xuống mương nước. Người dân hay chuyện vội báo công an, giải Phụng đến trụ sở làm việc, người anh được đưa đến trạm y tế băng bó vết thương.
Sau nhiều giờ nằm nghỉ, vết thương vẫn đau âm ỉ không ngừng, người anh liền bỏ về nhà. Đến khu vực cầu An Thới, cách nhà gần 2km, Mến ngã nhào xuống lòng đường. Lúc này người mẹ đi chùa trở về, phát hiện con mình nằm xõng xoài, bốc mùi rượu nồng nặc. Cứ nghĩ con trai say xỉn giống mọi lần trước, bà vội vã kéo con dậy đưa về rồi ra chợ mua thuốc giải rượu.
Thế nhưng đến khi gọi dậy vẫn thấy con bất động, không trả lời, bà hoang mang kiểm tra, phát hiện đứa con tắt thở từ khi nào. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân chết do chấn thương sọ não.
Mẹ già "ôm" nỗi đau nhân đôi
Người em hay tin anh chết vô cùng run sợ vì không ngờ trong phút “lên cơn” đã vô tình sát hại anh trai. Mặc dù mong muốn hành hung anh để mẹ bớt vất vả và có tiền sử thần kinh nhưng nhận thấy hung thủ vẫn còn đủ nhận thức nên TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt Đỗ Văn Phụng 12 năm tù với tội danh “Giết người”.
Một người nằm xuống, một người dấn thân vào chốn lao tù, người mẹ già tuy đã đỡ một phần khổ cực nhưng không gì có thể lấp đầy nỗi đau mà bà đang gánh phải khi bỗng chốc phải xa cách hai con.
Bà Bông tâm sự bằng giọng đầy chua chát: “Hồi đó tôi có báo bệnh con mình lên chính quyền địa phương nhưng người ta nói bệnh nó còn… nhẹ lắm, nếu họ chịu bắt đi trị bệnh thì không có xảy ra thảm kịch này. Hơn một năm rồi nhưng tôi vẫn còn buồn lắm. Ra đường ráng cười nói cho qua thời gian, chứ về nhà lại rầu thúi ruột.
Thằng Phụng tính tình rất hiền, từ ngày mắc bệnh mới trở nên cộc cằn như vậy. Hôm tôi vô thăm nuôi, nó có xin tôi một triệu để dành mua thuốc hút. Tôi già rồi, đâu còn nhiều sức đi làm kiếm tiền nữa. Gom hết tiền trong nhà tuy ít nhưng vẫn gửi hết vô, để không sợ nó giận, phát bệnh lại không hay.
Cán bộ nói, sau này có mãn hạn tù cũng không dám trả về nhà mà kiếm việc gì cho nó làm, chứ bệnh này không trị dứt được, nếu không biết đâu án mạng lại xảy ra. Vậy coi như mất một lượt hai đứa con”.
Nhìn đứa cháu nội tâm thần vẫn đang chửi rủa đinh tai, bà Bông ngao ngán chia sẻ thêm: “Từ lúc cha nó chết đến giờ, nó trở nên hỗn hơn, chứ hồi trước có quậy nhưng không dám chửi thề. Tôi nghe riết thành quen nhưng bác Hai nó cũng bị tâm thần nhẹ, không chịu nổi.
Tôi cứ cầu trời hoài, mong sao bệnh viện rước nó đi điều trị luôn, không thì tôi để dành tiền mua chút lá về cất cái chòi nhỏ cho nó ở riêng. Sợ bác nó hôm nào điên máu, không điều khiển được bản thân rồi đánh chết, tôi không muốn bi kịch xảy ra một lần nữa”.
Theo Xa lộ pháp luật