Xót xa hoàn cảnh của cặp song sinh được bác sĩ ra giữa chợ 'cầu cứu'

(PLO) -Sau khi phát hiện ra hai cháu bé song sinh bị dị tật bẩm sinh khiến cơ thể dính liền nhau, các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên (Hà Giang) đã nhanh chóng đưa các cháu xuống chữa trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Gần một tuần trôi qua, bố và ông ngoại của các cháu vẫn túc trực ngoài phòng hồi sức cấp cứu chờ mong điều kỳ diệu.
Bác sĩ Chung đứng giữa chợ kêu gọi mọi người (nguồn ảnh internet)
Bác sĩ Chung đứng giữa chợ kêu gọi mọi người (nguồn ảnh internet)

Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc bệnh viện Vị Xuyên (Hà Giang) đứng giữa chợ đông người,  cùng với lời kêu gọi giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm tới hai em bé sinh đôi bị dính liền nhau khiến bao người xúc động. Chẳng phải nói nhiều, nhìn đôi mắt đầy lo âu, khuôn mặt nặng trĩu của ông là đủ thấy sự nhiệt thành của ông đến mức nào.

Mổ sinh mới hay con bị dính liền

Chiều tối ngày 17/7, khi phóng viên báo Câu Chuyện Pháp Luật tới bệnh viện, anh Bàn Văn Thiệp – bố của cặp song sinh đang ngồi ngoài hành lang của bệnh viện  chờ tới giờ vào chăm sóc cho hai người con của mình.

Cảm nhận của chúng tôi về anh là một “ông bố trẻ con” còn ít tuổi và có phần chậm chạp nhưng in hằn trong đôi mắt buồn của người cha này là nỗi lo dành cho hai người con trai đang trong tình trạng nguy kịch.

Anh Thiệp cho biết, từ khi hai cháu sinh ra và phải nhập viện chưa khi nào anh chợp mắt ngủ yên. Trò chuyện với anh, chúng tôi mới phần nào hiểu được sự khó khăn của gia đình.

Sinh năm 1992, mồ côi cha từ khi mới 14 tuổi, anh Thiệp hiện sống tại thôn Tâm Bình, xã Ngọc Minh, một xã vùng cao miền núi của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Là người dân tộc Dao, học chưa hết lớp , anh đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. 

Năm 2012, anh đem lòng yêu thương chị Phàn Thị Thỷ (SN 1996) ở thị trấn Vị Xuyên. Dù chị Thỷ chưa đủ tuổi để đăng kí kết hôn nhưng anh chị được sự ủng hộ của hai bên gia đình nên đã quyết định về chung sống với nhau. Vợ chồng anh Thiệp đều sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó. Cuộc sống tuy vất vả thiếu thốn nhưng bù lại hai vợ chồng rất thương yêu nhau. 

Giữa năm 2013, căn nhà nhỏ của anh chị nay thêm đầm ấm khi chị Thỷ sinh hạ một cháu trai rất kháu khỉnh. Năm 2016, trong hai lần siêu âm, chị Thỷ đều được chẩn đoán sinh đôi, thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh và là hai bé trai. Chị cũng đi khám thai định kỳ.

Tuy nhiên, qua các lần kiểm tra các bác sĩ đều cho biết thai ổn định và không hề chuẩn đoán hai cháu bị dính liền. 

Mãi tới 3h sáng ngày 13/7, khi chị Thỷ lên bàn mổ do khó đẻ thì anh Thiệp và các bác sỹ mới hay sự việc. Trong quá trình mổ sinh, bác sĩ phát hiện 2 bé trai dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4.900 gram. Qua các xét nghiệm, chụp chiếu sơ bộ cho thấy, các bộ phận cơ thể như tim, phổi, thận của hai cháu vẫn tách rời. Việc lấy thai nhi ra gặp rất nhiều khó khăn.

“Khi 2 con được đẻ ra, các bác sỹ gọi vào để đón con, tôi run và hơi choáng váng vì nhìn thấy cơ thể 2 đứa bị dính liền với nhau như vậy. Nhìn 2 đứa như vậy tôi thương lắm nhưng không lại bế được vì các bác sỹ bế để nuôi trong lồng kính. Lúc đó sức khỏe của hai đứa rất yếu. Tôi không dám nói với vợ để tránh cô ấy sốc mà ảnh hưởng tới sức khỏe”, anh Thiệp xót xa chia sẻ. 

Hai bé trai được anh chị đặt tên là Bàn Văn Trung và Bàn Văn Đương. Khi được hỏi về tình hình tiến triển bệnh của hai cháu, anh Thiệp nghẹn ngào chực rơi nước mắt: “Lúc trưa, bác sĩ vừa gọi vào thông báo, hai con tôi dính liền cả gan và tim, việc phẫu thuật thành công là rất khó khăn, tỷ lệ thành công là rất thấp. Mọi sự trông chờ vào trời thương, may mắn thì…”

Bác sĩ Chung đứng giữa chợ kêu gọi mọi người (nguồn ảnh internet)
Bác sĩ Chung đứng giữa chợ kêu gọi mọi người (nguồn ảnh internet)

Nghèo khó bao trùm…

Sau khi đưa hai bé vào ấp lồng kính, các bác sỹ bệnh viện Vị Xuyên đã nhanh chóng làm thủ tục đưa hai bé xuống cấp cứu chờ phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Được biết, khi anh cùng bố vợ là ông Phàn Văn Tràng xuống bệnh viện Việt Đức, anh có vay được của họ hàng 5 triệu để lo cho hai đứa nhỏ nhưng may mắn được bệnh viện miễn toàn bộ chi phí nên hiện vẫn còn tiền. 

Do là người dân tộc thiểu số quanh năm sống với núi rừng, chưa khi nào xuống thành phố lại gặp hoàn cảnh khó khăn nên anh Thiệp và ông Tràng chưa biết xoay xở thế nào. Gia đình của anh cũng thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Ngọc Minh.

Xuống Hà Nội theo con, anh mặc một chiếc áo màu sáng nhưng đã sỉn màu, mốc xanh, rách vai; “tài sản” của anh chỉ là đôi dép lê và một chiếc phích nước cũ kĩ. Từ ngày ở bệnh viện tới nay, ăn uống thì anh ăn ở căng tin của bệnh viện, nhận cơm từ thiện, đêm thì trải chiếu ngủ dưới hành lang của bệnh viện. 

Những người trong bệnh viện tốt bụng cũng giúp đỡ anh ít nhiều: Người thì mua cho anh đôi dép, chiếc áo, người mua cho hai cháu túi bỉm hoặc không thì cũng dạy anh đi thang máy, chỉ cho anh đường xuống căng tin mua cơm… 

Trao đổi với phóng viên, ông Trài cho biết vợ chồng anh Thiệp từ khi lấy nhau đã gắn bó với nghề làm nương, làm rẫy, quanh năm sống với cây ngô, cây lúa nên khi hai cháu nhỏ bị như thế này bản thân ông cũng không biết phải xoay sở, lo lắng ra sao. Không những thế, vợ chồng anh Thiệp còn đang phải nuôi mẹ già đau yếu với căn bệnh tâm thần hành hạ. 

Bản thân ông Trài khăn gói cùng con rể xuống Hà Nội lo cho hai cháu nhỏ nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn các cháu đang giành giật sự sống với tử thần qua cửa kính bệnh viện. “Các bác sỹ nói hai cháu đang rất yếu, cần phải hồi sức mới có hy vọng phẫu thuật. Tôi xuống đây với cháu nhưng cũng chẳng biết phải làm sao để có thể giúp con, giúp cháu”, ông Trài cho biết thêm.

Về tình hình sức khỏe của chị Thỷ, ông Trài cho biết, do đẻ mổ nên sức khỏe của chị vẫn chưa được ổn định và vẫn đang nằm điều trị, theo dõi ở khoa sản, Bệnh viện Vị Xuyên.

Bố hai cháu bé thấp thỏm lo lắng cho con.
Bố hai cháu bé thấp thỏm lo lắng cho con.

Trông mong vào điều kỳ diệu

Trong gần một tuần chăm con ở Bệnh viện Việt Đức, anh Thiệp và bố vợ chỉ có trong người vỏn vẹn 5 triệu, một số tiền quá ít ỏi của người nhà bệnh nhân khi nhập viện một bệnh viện tuyến đầu của cả nước. Hiểu được đây chỉ là số tiền “muối bỏ bể” nên anh không dám tiêu pha, ăn uống gì chỉ mong còn chút tiền lo lắng cho con.

Trong lúc hoạn nạn, bế tắc, buổi sáng ngày 13/7, ông Nguyễn Ngọc Chung – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên đã trực tiếp cùng các cán bộ bệnh viện ra chợ trung tâm huyện Vị Xuyên lập hòm quyên góp được gần 7,5 triệu đồng ủng hộ gia đình anh Thiệp để góp tiền chữa trị cho hai cháu.

Ngoài ra, những ngày qua, nhờ chia sẻ của cộng đồng mạng đã có rất nhiều doanh nghiệp hảo tâm, mạnh thường quân tới chung tay, ủng hộ giúp đỡ hai cháu nhỏ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. 

“Cũng may là nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng, của các nhà hảo tâm, người ít người nhiều nên gia đình cũng bớt phần nào gánh nặng chữa trị cho các cháu. Nếu không có sự chung tay của bệnh viện, các mọi người thì tôi không biết lấy tiền đâu đưa các cháu xuống Hà Nội điều trị như bây giờ”, anh Thiệp chia sẻ.

Theo chia sẻ của bác sĩ Chung thì vào đêm ngày 13/7, khoảng 1h sáng, bệnh viện huyện tiếp nhận trường hợp sản phụ với chẩn đoán mang song thai và đã có dấu hiệu suy thai, chỉ định mổ cấp cứu. Trong quá trình mổ sinh, bác sĩ phát hiện 2 bé trai dính liền. Ngày 14/7, bệnh viện Vị Xuyên quyết định chuyển hai bé xuống Hà Nội để có điều kiện chẩn đoán tốt hơn.

Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Chung và các bác sĩ bệnh viện Vị Xuyên lo lắng là gia đình 2 bé dân tộc Dao, hoàn cảnh quá khó khăn, tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra kinh phí đi lại, điều trị cho hai bé.

Với tấm lòng y đức của mình, bác sĩ Chung đã suy nghĩ nhiều cách khác nhau để có thể quên góp đủ số tiền đem cho bố cháu bé xuống Hà Nội. Cuối cùng, ông chọn cách ra đứng giữa chợ kêu gọi mọi người mà ông cho rằng đó là cách nhanh nhất, trong tình thế rất cấp bách. 

Cũng trong chiều ngày hôm ấy (14/7), hai em bé được đưa xuống bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mở đầu cho hành trình “sinh” lần thứ 2 của 2 sinh linh vừa mới chào đời đã gặp điều không may mắn.

Khi mà những sự kiện xã hội tiêu cực liên tục xảy ra trong thời gian qua đang bào mòn niềm tin của con người thì hành động đầy nhân văn của bác sĩ Chung như ánh lửa hồng, khơi dậy lòng trắc ẩn của bao người./.

Đọc thêm