Làm quần quật vẫn không đủ ăn
Một ngày tháng 5, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi lần theo con đường ngoằn ngoèo dẫn đến làng Thái Sơn. Đây là một làng quê miền núi, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Nghề nghiệp mưu sinh của người dân chủ yếu vẫn là làm ruộng, những lúc nông nhàn, người khỏe mạnh có thể đi rừng hoặc làm thuê việc vặt kiếm thêm thu nhập.
Tuy làm lụng vất vả nhưng cái nghèo vẫn đeo bám nhiều gia đình làng Thái Sơn. Bước vào làng, đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà xây bằng gạch rộng chừng 40 mét vuông. Gọi là nhà nhưng nó rất nhỏ, thấp lè tè, vữa chưa được trát cũng không có lấy một cánh cửa. Bên trong thì trống hoắc, chỉ duy có một cái bàn đã cũ kỹ chứ không có bất cứ vật dụng gì có giá trị.
Ngôi nhà tuềnh toàng của vợ chồng chị Liên. |
Đây là chỗ trú ngụ của 5 người trong gia đình chị Cù Thị Ngọc Liên (SN 1982). Sau một hồi ngần ngại, chị Liên mới đồng ý chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình. Chị chủ yếu làm nông, thời gian rảnh ai thuê gì làm nấy. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1976) làm nghề đánh cá sông quần quật từ tối đến sáng hôm sau nhưng chỉ kiếm được 50-70 ngàn đồng mỗi ngày.
Thu nhập bấp bênh nhưng anh chị phải chi rất nhiều khoản cho cuộc sống, từ tiền cơm gạo, chợ búa đến tiền mua áo quần, sách vở cho con, rồi thuốc thang chữa bệnh.
Chị Liên tâm sự, con gái đầu của chị từ khi sinh ra đã khó nuôi, thường xuyên quấy khóc, ăn uống chậm và hay đau ốm vặt. Khi cháu lên 3 tuổi, gia đình đưa đi khám thì được bác sĩ kết luận mắc bệnh tim bẩm sinh, dạng thông vách liên thất. Sức đề kháng yếu ớt khiến cháu mắc thêm nhiều chứng bệnh khác.
Bị bệnh tật từ nhỏ khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, cứ mỗi lần lên cơn đau, cháu bé lại thở dốc, mặt mày tái mét và thường xuyên ngất xỉu. Chị Liên kể, có nhiều lần thầy cô cùng bạn bè phải dìu em về nhà khi em lên cơn đau ở trường. Mỗi lần như thế tấm lòng người làm cha làm mẹ như chị lại đau nhói.
Những lúc ấy, chị chỉ biết cuống quýt chạy đi mua cho con vài viên thuốc trợ tim để cầm cự. Thương con đứt ruột nhưng vì không có tiền để phẫu thuật nên chị Liên cũng chỉ biết nhìn con mà khóc.
Cuộc sống thiếu thốn, con lại mắc bệnh hiểm nghèo khiến vợ chồng chị Liên càng ngày càng thêm túng quẫn. Vợ chồng chị phải hết sức tằn tiện, cật lực lao động để kiếm tiền lo thuốc thang cho con. Có lần con lên cơn đau tim, khi ấy trong nhà không còn lấy một đồng, mấy con lợn gà cũng đã bán sạch, tiền vay mượn bà con họ hàng trước đây còn chưa trả được.
Hết cách, chị Liên đành rớt nước mắt bán mái tóc dài của mình được 500 ngàn đồng đưa con đi bệnh viện. “Ông bà có câu, “cái răng cái tóc là góc con người”, hơn nữa tôi là phụ nữ nên đâu có muốn bán tóc. Nhưng vì thương con bị bệnh tật hành hạ, trong khi nhà có 5 miệng ăn, cuộc sống nghèo khó, túng thiếu nên đành phải bán thôi”, chị Liên xót xa nói.
Hành động nhỏ bé ấy càng ý nghĩa hơn khi nghe chị kể, mái tóc dài đó chính là “chiếc cầu” để vợ chồng chị nên duyên. Cho đến bây giờ chị vẫn còn giữ những chiếc kẹp tóc, chiếc lược nhỏ mà ngày xưa chồng tặng vì yêu mái tóc dài của chị.
Chạnh lòng với biệt danh “làng bán tóc”
Cách nhà chị Liên không xa là nhà của chị Trần Thị Minh Thúy (SN 1985). Căn nhà vách ván lợp tôn, rộng chưa đầy 30 mét vuông. Bên trong chỉ có chiếc tivi cũ kỹ nhưng cũng vừa hỏng, ngoài ra chẳng có gì đáng giá.
Chỉ lên mái tôn chi chít những lỗ thủng to như quả chanh, chị Thúy buồn rầu cho biết: “Đó là hậu quả từ trận mưa đá hồi đầu tháng 5 vừa qua. Mái tôn này cũng đã cũ lắm rồi, tôi cũng định ráng dành dụm tiền để vài năm nữa sửa lại nhưng mưa đá lại làm thủng mất. Tiền ăn hàng ngày đã khó, lấy tiền đâu mà sửa nhà”, chị Thúy than thở.
Mái nhà chị Thúy hiện thủng lỗ chỗ vì trận mưa đá cách đây 2 tuần. |
Mùa này vùng núi Đại Lộc bắt đầu có mưa giông, lốc xoáy, vợ chồng chị chưa biết tính sao đây. Vừa rồi, túng thiếu quá không có tiền đi chợ và lo cho con, không còn cách nào khác, chị Thúy cũng đành bán đi mái tóc dài của mình.
Đã nghèo khó, bản thân chị Thúy lại mắc bệnh thận khiến sức khỏe rất kém, nước da nhợt nhạt nên dù mới 31 tuổi nhưng nom chị như đã ngoài 40. Lại thêm mái tóc bị cắt ngắn càng làm gương mặt của chị hốc hác hơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có chị Liên, chị Thúy, ở làng Thái Sơn còn có rất nhiều phụ nữ bán tóc để trang trải cuộc sống. Tuy một năm cũng chỉ bán tóc được đôi ba lần nhưng số tiền ít ỏi ấy cũng giúp họ trang trải phần nào cuộc sống nhất là những lúc ngặt nghèo.
Cũng theo lời kể của người dân địa phương, thỉnh thoảng có hai người (một nam, một nữ) từ địa phương khác đến thôn Thái Sơn tìm mua tóc. Tùy theo tóc dài hay ngắn mà người “buôn tóc” mua với giá cao hay thấp. Nếu mái tóc dài, dày, bóng mượt thì được mua với giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Còn tóc dài ngang lưng hay eo thì giá từ 400 đến 700 nghìn đồng.
Cứ như thế nhiều năm qua, mái tóc của những người phụ nữ nơi đây nuôi dài rồi lại cắt cụt theo vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền hay bệnh tật của con. Cũng vì có nhiều người bán tóc nên Thái Sơn được nhiều người gọi là “làng bán tóc”. Tiếng rao “Ai bán tóc dài, tóc rối không?” đã trở thành quen thuộc ở làng quê nghèo này.
Cắt mái tóc dài bán đi, những người phụ nữ nơi đây phải đánh đổi nhiều thứ. Ngoài mất cái duyên dáng của người phụ nữ họ còn cảm thấy tủi hổ với bà con, hàng xóm xung quanh. Nhưng không còn cách nào khác, gánh nặng của cuộc sống khiến họ phải gạt bỏ những mặc cảm ấy để lo cho gia đình.
Nhìn mái tóc của vợ mình bị cắt ngắn, những người chồng cũng buồn không kém. “Là người đàn ông, là lao động chính trong nhà có ai muốn để vợ mình phải bán tóc đâu. Trong lúc tôi đi làm thì vợ ở nhà bán tóc. Lúc về nhà, nhìn thấy mái tóc của vợ bị cắt cụt lủn, tôi xót xa lắm. Cũng không đành lòng trách vợ, vì suy cho cùng cũng do nghèo khó và muốn có tiền lo cho con nên mới phải làm thế”, một người đàn ông trong làng chạnh lòng nói.
Trao đổi với chúng tôi, một vị đại diện thôn Thái Sơn xác nhận tại thôn có rất nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Một số phụ nữ do lâm vào tình huống ngặt nghèo đã phải bán tóc lấy tiền trang trải cuộc sống. Dù địa phương đã tích cực quan tâm hỗ trợ cho một số gia đình nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn.
Chúng tôi chia tay gia đình chị Liên, chị Thúy, rời thôn Thái Sơn mà lòng nặng trĩu. Bán tóc để lấy tiền lo cho gia đình là một sự hy sinh nhưng cũng lắm xót xa. Giá như điều kiện làm ăn tốt hơn, kinh tế gia đình khá hơn, không gặp phải rủi ro bệnh tật, những người phụ nữ miền quê này đã không phải cắt cụt mái tóc của mình./.