Xu hướng trang trí tiểu cảnh đón Tết tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bối cảnh dịch bệnh, thay vì đi chơi Tết, nhiều gia đình lựa chọn trang trí tiểu cảnh, tham gia các hoạt động truyền thống đón năm mới ngay tại tổ ấm của mình.
Xu hướng trang trí tiểu cảnh đón Tết tại nhà

Những năm trước chưa xuất hiện dịch COVID-19, không ít gia đình lựa chọn đi du lịch trong và ngoài nước dịp Tết vì được nghỉ dài ngày. Họ thường ở nhà đêm 30 và ngày mùng 1, từ mùng 2-5 Tết sẽ tranh thủ đi nghỉ dưỡng, tham quan đây đó. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó có thể đi du lịch, hạn chế đi chúc Tết, một xu hướng đón xuân mới xuất hiện. Nhiều người lựa chọn ở nhà làm tiểu cảnh Tết đậm không khí cổ truyền, để “vui Tết nay không quên Tết xưa” trong chính tổ ấm của mình.

Chị Lưu Hằng, 35 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) hào hứng: “Không đi du lịch nước ngoài, tham quan các tỉnh, năm nay, tôi sẽ đưa các con đi “du lịch” trong chính ngôi nhà mình. Tôi tới phố Hàng Mã sắm các mô hình: bánh chưng, bánh tét, cây đào, cây mai lụa, mâm ngũ quả nhựa đầy sắc màu, các đồ trang trí, câu đối, tranh Đông Hồ, sách Tết…

Tôi dành một góc phòng khách, rải chiếu hoa, trang trí tiểu cảnh mô phỏng Tết xưa. Dĩ nhiên, Tết không thể thiếu thược dược, xông nhà bằng trầm hương và thoang thoảng nước lá mùi già. Khi hương mùi già ngọt ngào bao trọn căn phòng nhỏ cũng là lúc những khó khăn của năm cũ được gột rửa tinh tươm. Ngày Tết, vợ chồng tôi sẽ đọc sách Tết, phong tục đón Tết Nguyên đán các vùng miền để các con thêm hiểu và phát huy trí tưởng tượng”.

Cũng như chị Hằng, gia đình anh Trương Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) bắt đầu rộn ràng Tết với tiểu cảnh tràn ngập sắc đỏ trong nhà. Những phụ kiện nhỏ hay to, đặc sắc, ấn tượng, nổi bật. Tất cả tùy vào sở thích, sáng tạo đem lại sự háo hức, niềm hy vọng của mỗi người.

Ngoài tiểu cảnh, anh Hùng sắm hoa đào. Theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và những điều xấu, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.

Anh Hùng hồ hởi: “Năm nay ít các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao chào năm mới, các hoạt động du xuân, đón Tết, đi chúc Tết cũng hạn chế rất nhiều. Để các con cảm nhận không khí Tết, tôi đã trang trí nhà đón xuân sớm”.

Khoe thành quả của mình, anh Hùng vui vẻ: “Mấy ngày nay, các con tôi học xong lại háo hức ra “góc Tết” để chụp ảnh và đọc những mẩu truyện Tết cổ truyền và “ông ba mươi”. Ngày 28, gia đình tôi sẽ cùng nhau gói bánh chưng ở góc Tết này. Chắc chắn, hương vị bánh sẽ khác so với mọi năm tôi mua ở siêu thị. Tôi cũng chuẩn bị cây pháo bông cho rôm rả. Có lẽ Tết cổ truyền mùa Covid là trải nghiệm ý nghĩa của các con không thể quên”.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế tụ tập, giao lưu, lễ hội thì với việc trang trí tiểu cảnh cổ truyền đón Tết, các gia đình không cần phải đi đâu xa cũng đủ có nhiều ký ức đẹp, vui vẻ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Phố Hàng Mã (Hà Nội) đã ngập tràn màu đỏ và vàng lung linh, đặc trưng của Tết Nguyên đán. Tranh vẽ linh vật “ông ba mươi”, câu đối chúc Tết, những đồ trang trí, đồ hàng mã phục vụ ngày Tết cổ truyền được bày bán phong phú.

Dù Hàng Mã nhuộm sắc Tết nhưng không khí mua bán chưa mấy sôi động. Anh Vũ Quang - chủ cửa hàng phố Hàng Mã cho biết: “Năm nay, dịch bệnh ở Hà Nội và các tỉnh vẫn phức tạp, đến giờ này, khách rất thưa thớt. Chẳng bù cho hai năm trở về trước, chúng tôi bán hàng không ngơi tay. Đường đông đúc người sắm đồ trang trí Tết. Các chàng trai, cô gái hồ hởi “check in” rộn rã hè đường”.

Bà Nguyễn Nga vừa xếp chồng bánh chưng mô hình vừa tâm sự: “Năm nay, dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hầu hết các cơ quan, cửa hàng, đặc biệt là các khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội và các tỉnh thành đều cắt giảm mua sắm, trang trí đón Tết. Lượng khách này thường mua số lượng lớn. Năm nay, họ không mua, chúng tôi sụt giảm tới 70% doanh thu, chỉ bán khách lẻ trang trí nhà cửa”.

Các tiểu thương chỉ duy trì một lượng hàng hóa nhất định, không nhập nhiều để tránh tồn kho. Họ tự sản xuất, bày bán các mặt hàng thủ công thay vì nhập cả hàng Trung Quốc như mọi năm.