Xử lý các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi: Hành lang pháp lý đã rõ, vấn đề còn lại ở việc thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội), các quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 đã đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp thực tế như thế nào để thực hiện đúng và hiệu quả tinh thần của Thông tư này?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội)

VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội vừa ban ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH (TTLT 01) quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Theo đó, TTLT 01 yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khi tham gia giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục phải bảo mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục; có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những nguy cơ dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác…

Theo Luật sư Hùng, trong thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả nghiêm trọng, hành vi này không chỉ gây ra cho người bị hại những vết sẹo về mặt thể xác mà còn khiến họ phải chịu những tổn thương to lớn về mặt tinh thần. Đặc biệt với bị hại còn non nớt trong suy nghĩ, chưa có đủ nhận thức về xã hội, chưa phát triển hoàn thiện tâm sinh lý.

Trong các yếu tố có tác động đến tâm lý của bị hại thì việc lo sợ sự việc bị công khai, nhiều người biết đến và có thể phải chịu sự bàn tán, lên án của dư luận là một khía cạnh quan trọng không chỉ là đối với trẻ em, người chưa thành niên mà còn đối với bất kỳ người nào là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục. Thậm chí cũng có những trường hợp đã là nạn nhân của hành vi xâm hại mà còn lại tiếp tục trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần từ dư luận gây ra những hậu quả đáng tiếc hơn.

TTLT 01 quy định chi tiết một số vấn đề và biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục đã thống nhất các quy định cho các cơ quan, ban ngành các cấp thống nhất áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục một cách tốt nhất.

Thông tư ban hành áp dụng thống nhất cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng; người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.

Trong các nội dung mà Thông tư này đảm bảo thì vấn đề bảo mật thông tin nạn nhân dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục được đề cập và quy định chi tiết. Nội dung này được quy định xuyên suốt các điều khoản của Thông tư về việc phối hợp thực hiện của các cơ quan trong các giai đoạn tố tụng từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giai đoạn điều tra vụ án; cho đến giai đoạn truy tố; giai đoạn xét xử và trong một số hoạt động tố tụng khác.

Các quy định trong TTLT 01 đã đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp thực tế nhằm đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả tinh thần của Thông tư, các biện pháp có thể như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ chuyên biệt cho người có thẩm quyền, người tham gia quy trình tố tụng và những người có trách nhiệm liên quan khác, chẳng hạn như kỹ năng điều tra, kỹ năng lấy lời khai của Điều tra viên hay các kỹ năng xét hỏi, tranh tụng của thẩm phán, kiểm sát viên, kỹ năng của các giám định viên, người có chuyên môn khám nghiệm…

Thứ hai, cần đảm bảo sự tham gia của luật sư xuyên suốt quá trình tố tụng từ những giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử xong, thậm chí là cả trong quá trình thi hành án nhằm sát cánh và đồng hành cùng với bị hại, và phần nào giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng nhất, khách quan nhất các quy định pháp luật.

Thứ ba là tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên tới các gia đình, trường học, khu dân cư, các vùng kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số. Nhằm hạn chế nhất những hành vi xâm hại tình dục và cách xử lý khi có hành vi xâm hại diễn ra.

Cuối cùng là cần có biện pháp xử lý, chế tài nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm quy định tại Thông tư này để tạo tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của những người, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền.

Đọc thêm