Xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái: “Bí mật đến phút chót” các điểm kiểm tra

(PLVN) - Công khai tụ điểm kiểm tra, nhưng kế hoạch kiểm tra như thế nào thì bí mật đến tận “giờ G”. Đó là một cách làm khôn ngoan mà lực lượng Quản lý thị trường cả nước đang áp dụng để xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Tất cả các địa điểm kiểm tra đều được “bí mật đến phút chót”
Tất cả các địa điểm kiểm tra đều được “bí mật đến phút chót”

Công khai nhưng bất ngờ

Quyết định 3972 ngày 29/11/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 với danh sách các tụ điểm cụ thể ở 20 tỉnh, thành phố là một quyết định từng khiến dư luận xôn xao. Bởi kiểm tra hàng giả, hàng nhái mà công khai địa điểm thì sẽ tiến hành như thế nào, có đảm bảo kết quả công việc hay không?  

Trong một cuộc chuyện trò với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, công khai các tụ điểm hàng giả cũng là một cách để các đối tượng làm hàng giả chủ động chuyển hướng công việc, không thể cứ tiếp tục sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Do đó, Tổng cục đã lên danh sách 20 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ “làm điểm” kiểm tra trong năm 2020. Đặc biệt hơn, ở mỗi tỉnh, thành phố này, Tổng cục đều công khai liệt kê cụ thể địa bàn nào, chợ nào, quận, huyện nào để tập trung vào những địa điểm ấy.

Ông Linh khẳng định, việc công khai các địa điểm không khiến cho cuộc kiểm tra mất đi sự bất ngờ hay khiến cho các tụ điểm “có sự chuẩn bị trước”. Việc công khai này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc kiểm tra vì những tụ điểm này thực ra không phải là mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay, hầu như mọi người đều biết. 

Một cựu lãnh đạo lực lượng QLTT cho rằng, việc công khai các tụ điểm kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái của Tổng cục này là một cách làm khá khôn ngoan, vừa “đánh động” các tụ điểm, vừa “nhắc nhở” chính quyền địa phương cần phải lưu tâm hơn đến tình hình trên địa bàn mình quản lý.

Vị cựu lãnh đạo này cũng khẳng định “công khai tụ điểm kiểm tra thôi, còn kế hoạch các địa điểm như thế nào là cả một câu chuyện dài ở phía sau mà đôi khi những người trong cuộc còn không thể biết”. Đúng như dự đoán của vị cựu lãnh đạo này. Tất cả kế hoạch kiểm tra từng tụ điểm, địa bàn trong danh sách 20 tỉnh, thành đều được “bí mật đến phút chót”.

Còn không ít khó khăn, vướng mắc 

Thông tin mới đây từ Cục QLTT Đà Nẵng cho biết, nhằm thực hiện Quyết định 3972 ngày 29/11/2019 của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Đà Nẵng đã phối hợp với Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) triển khai tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 6 cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, túi xách, ví cầm tay, mắt kính trên địa bàn thành phố.

Tất cả các trưởng đoàn kiểm tra đều được thông báo sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra. Tuy nhiên, chỉ khi lên xe xuất phát đến các tụ điểm, các trưởng đoàn mới được bóc niêm phong để biết địa điểm mình sẽ kiểm tra nằm ở địa bàn nào.  

Kết quả của cuộc kiểm tra đột xuất này cho thấy, tại 6 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện hơn 1.900 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đang được bảo hộ tại Việt Nam như Nike, Adidas, Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Dior…

Toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên tại các cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng sản phẩm hàng hóa trên và tiếp tục thẩm tra, xác minh.

Một kiểm soát viên của Đội QLTT số 17 (1 trong 3 đội cơ động của Cục QLTT Hà Nội) chia sẻ với PLVN, mỗi khi bước vào một chiến dịch lớn, tất cả nhân lực trong đội đều không nắm được sẽ kiểm tra tụ điểm nào. Hầu hết chỉ nhận được lệnh “tập trung tại Đội” ở một giờ cố định nào đấy và đến giờ tất cả cùng xuất phát. Thậm chí, lên xe rồi cũng vẫn không được biết sẽ kiểm tra tại địa điểm nào. Tất cả đều được bí mật cho đến trước khi ô tô dừng lại tại địa điểm kiểm tra. 

Thế nhưng, nhiều khi vẫn bị lộ bởi kiểm tra theo các chiến dịch thường sẽ kiểm tra hàng loạt, đến được cửa hàng - kiot đầu tiên thì các cửa hàng - kiot ở phía sau sẽ biết đường tránh ngay. Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội QLTT số 14 (Đội cơ động của Cục QLTT Hà Nội) đã từng chia sẻ về những tiếng “sầm sập đóng cửa cuốn” của các cửa hàng - kiot khi đội của ông vừa xuất hiện ở đầu khu vực chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). 

Hoặc kế hoạch kiểm tra Tiểu khu Thao Chính (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng tương tự khi ngày thực hiện chiến dịch chỉ kịp kiểm tra 3 cửa hàng trên tổng số hàng chục cửa hàng nằm dọc con đường lớn của thị trấn Phú Xuyên, dù lực lượng QLTT đã dừng xe từ ngay đầu con đường rẽ vào khu Thao Chính. Đây chính là một trong số những khó khăn mà Tổng cục QLTT vướng phải khi thực hiện chiến dịch tấn công vào các tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại. 

Đọc thêm