Xử lý kinh doanh hàng giả trên internet: Cần một nghị định quản lý thương mại mới

(PLVN) - Phát hiện hàng giả trên không gian mạng đã khó, xử lý được những đối tượng lợi dụng internet để buôn bán hàng giả còn khó gấp nhiều lần bởi tính chất khởi tạo nhanh và “biến mất” cũng nhanh của các trang web bán hàng. 
Hình minh họa

Chủ động tố giác các kênh buôn bán hàng giả 

Trong những năm qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã nỗ lực trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có những vụ việc về kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và đã có được những kết quả không nhỏ. 

Số liệu tổng kết cho thấy, từ năm 2018, lực lượng này đã tập trung kiểm tra, xử lý gần 900 tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm pháp luật về TMĐT, trong đó tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội (202 vụ, xử phạt gần 7 tỷ đồng), TP HCM (613 vụ, tổng giá trị xử phạt hơn 17, 4 tỷ đồng) nhưng số lượng này vẫn còn khá nhỏ so với mức độ vi phạm. . 

Do đó, Tổng cục QLTT đề nghị, phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa QLTT và các lực lượng chức năng tại địa bàn trong trao đổi chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật với quản lý lĩnh vực TMĐT, các đối tượng, phương thức thủ đoạn về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, cần phải khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc cung cấp, trao đổi về những đối tượng, thủ đoạn, lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả. Cùng với đó là công tác tuyên truyền để Hiệp hội, doanh nghiệp hiểu và có trách nhiệm bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh; Chủ động tố giác các vi phạm, đặc biệt đối với những sản phẩm, hàng hoá liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. 

Các lực lượng chức năng cũng đặc biệt lưu ý người tiêu dùng, khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch và phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật, để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. 

“Việc người tiêu dùng chủ động tố giác các kênh buôn bán hàng giả là rất quan trọng vì đây sẽ là cơ sở để các lực lượng chức năng tiến hành các bước tiếp theo để có thể xử lý các websie buôn bán hàng giả”, đại diện lãnh đạo Tổng cục QLTT nói.

Cần một nghị định quản lý thương mại mới

Trong số các biện pháp để tăng cường phòng chống hàng giả trên internet thì  công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng TMĐT tại các trang, ứng dụng, sàn TMĐT uy tín đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng được đề cập đến. 

Không chỉ thế, việc khuyến cáo người tiêu dùng khi mua, nhận hàng hoá phải xem xét kỹ hàng hóa có chất lượng, có nhãn hàng hóa hoặc các tài liệu có liên quan kèm theo hàng hóa phải có đầy đủ thông tin theo quy định, đặc biệt là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá cũng được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả lưu thông trên internet. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục này, điều quan trọng nhất trong xử lý vi phạm hàng giả trên không gian mạng là cần phải điều chỉnh chính sách, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn để xử lý những vi phạm này do đặc điểm khởi tạo nhanh,biến mất cũng nhanh của buôn bán hàng hóa trên TMĐT. 

Văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này hiện chỉ có Nghị định 52, ban hành năm 2013.  “Từ 6 năm trước, khi tiến hành soạn thảo Nghị định này vẫn chưa có sàn giao dịch điện tử, chưa có khái niệm kinh tế chia sẻ, trong khi hiện nay, tốc độ gia tăng của công nghệ thông tin đã quá mạnh mẽ, Nghị định 52 cần phải có những sự thay đổi nhất định”, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh nhấn mạnh.  

Theo đó, cần phải xây dựng 1 nghị định mới quản lý hành chính trong lĩnh vực thương mại, trong đó có một chương riêng về TMĐT để đáp ứng tình hình mới. Cần phải đưa vào các hình thức xử lý đủ sức răn đe vì phát hiện ra vi phạm TMĐT đã khó, tiến hành các bước củng cố bổ sung còn khó hơn do tốc độ lan truyền trên mạng rất nhanh, rất nguy hiểm. 

Xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT cần mạnh hơn như dừng, cắt tên miền với các trang bán hàng giả; Cần phải gắn trách nhiệm các chủ sàn giao dịch điện tử với hàng hóa đăng bán trên trang TMĐT để tăng cường các công cụ quản lý hàng hóa vì hiện nhiều cá nhân từ học sinh, sinh viên, đến cán bộ công chức đều có thể tham gia buôn bán trên sàn TMĐT.

Đọc thêm