Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

(PLVN) - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội…
Các đại biểu dự phiên làm việc chiều 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Tiếp tục áp dụng, sử dụng văn bản, giấy tờ cho đến khi hết thời hạn

Chiều 12/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 121-KL/TW của Hội nghị Trung ương khóa XIII, tháng 01/20225 và các kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Dự thảo Nghị quyết được bố cục gồm 15 điều, trong đó quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Cụ thể, về tên gọi và việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc chuyển đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó; đồng thời quy định cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.

Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền, dự thảo Nghị quyết quy định khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tiếp tục thực hiện.

Về thực hiện thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền khi có thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính.

Về thực hiện chức năng thanh tra, dự thảo Nghị quyết quy định khái quát theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và quy định pháp luật có liên quan: cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã tiếp nhận; cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại các bộ, cơ quan ngang bộ không được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì chức năng thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện.

Về giá trị của văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp, dự thảo Nghị quyết quy định văn bản, giấy tờ đã được ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền…

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, do thực tế triển khai có thể có những tình huống phát sinh chưa dự liệu hết, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết này được đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI (tháng 10/2026).

Nên có hiệu lực thi hành càng sớm càng tốt

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Ủy ban Pháp luật tán thành việc xác định phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước và bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi, kiểm tra, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính Điều 8 nếu cần thiết để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện, hạn chế việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.

Về việc xử lý đối với văn bản, giấy tờ đã được ban hành trước khi thực hiện sắp xếp, Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định trong dự thảo nhưng đề nghị tiếp tục rà soát các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, đặc biệt là thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp ban hành trước đó để bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, công sức trong quá trình triển khai thực hiện.

Về rà soát, xử lý văn bản, Ủy ban Pháp luật tán thành việc cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế đối với các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Có ý kiến cho rằng quy định thời hạn 3 tháng để rà soát, xác định phương án xử lý văn bản là quá dài bởi hiện tại các cơ quan đều đã cơ bản hoàn thành việc rà soát. Cũng có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi đối với quy định về thời hạn 2 năm để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bởi theo rà soát sơ bộ của các cơ quan thì số lượng văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ở cả Trung ương và địa phương là rất lớn trong khi chưa rõ cơ chế nào để Chính phủ có thể theo dõi và bảo đảm thực hiện mục tiêu này.

Về giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết giao Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét, ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tăng tính chủ động, linh hoạt của các cơ quan trong việc kịp thời xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh sau khi sắp xếp mà chưa được điều chỉnh trong Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị xác định rõ thẩm quyền này chỉ áp dụng đối với các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà chưa được quy định, dự liệu tại Nghị quyết này hoặc đã được quy định tại Nghị quyết này nhưng không còn phù hợp với thực tiễn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Có ý kiến cho rằng, do đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể theo trình tự, thủ tục rút gọn, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm bảo đảm yêu cầu về tính minh bạch, kiểm soát quyền lực và tránh lạm dụng.

Về hiệu lực thi hành và thời hạn áp dụng Nghị quyết, bên cạnh một số ý kiến đồng ý với việc xác định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 như Chính phủ trình thì đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước bởi hiện tại cũng đã có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật do dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung khác với luật hiện hành. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn đề nghị Chính phủ giải thích rõ thời hạn thi hành Nghị quyết có đồng thời là thời hạn thi hành các văn bản hành chính hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh quy định tại Điều 13 hay không.

Đọc thêm