Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc đã kéo dài gần một tháng nhưng chưa tìm được tiếng nói chung giữa phụ huynh và Nhà trường trong việc áp dụng biện pháp kỷ luật đối với học sinh có hành vi đánh bạn học cùng lớp, gây bức xúc đối với gia đình học sinh bị đánh và các học sinh khác trong Trường.
Cụ thể, sự việc xảy ra ngày 3/3/2025 tại khu vực cạnh khuôn viên Trường THCS và THPT Việt Úc. Em K (học sinh lớp 10) cùng nhóm bạn của mình đã đánh bạn học cùng lớp tên N. Sự việc xuất phát từ chuyện em K hỏi thông tin về tên và số điện thoại của bố mẹ và em trai của em N nhưng em N không đồng ý chia sẻ. Sau đó, em K đã nhắn tin bảo em N khu vực phía ngoài trường học và tại đây, em K cùng 3 bạn học khác đã đánh em N khiến em N bị xây xước ngoài da.
Sự việc đã được người dân phát hiện và can ngăn. Sau đó, em N đã có bản tường trình gửi Ban giám hiệu, đồng thời gia đình em N đã báo cáo Công an phường Cầu Diễn để giải quyết sự việc.
Thông tin về sự việc này, đại diện Trường THCS và THPT Việt Úc cho biết, Trường cũng đã nhận được thông báo của Công an phường Cầu Diễn về việc xử lý vụ việc học sinh của Trường bị một nhóm bạn học đánh tại khu vực ngoài khuôn viên của Trường.
Theo văn bản của Công an phường Cầu Diễn, sau khi nhận được trình báo của gia đình em N, Công an phường Cầu Diễn đã tiếp nhận điều tra sự việc, triệu tập các học sinh có liên quan để làm rõ và tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Học sinh N cũng được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, với tình trạng bị xây xước ngoài ra và tinh thần còn sợ hãi.
Sau khi xảy ra sự việc và nhận được thông báo từ Công an phường Cầu Diễn, Ban Giám hiệu đã yêu cầu các học sinh và các cá nhân liên quan báo cáo sự việc. Trên cơ sở làm rõ sự việc, kết hợp với kết quả xử lý vụ việc của Công an phường Cầu Diễn, Ban Giám hiệu đã lập Hội đồng xử lý kỷ luật đối với học sinh để xem xét vi phạm, xử lý kỷ luật học sinh theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và nội quy, quy chế của Trường.
Hội đồng kỷ luật đã xem xét khách quan các tình tiết của vụ việc và nghị xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm bằng hình thức tạm đình chỉ học tập trên lớp một tuần.
Về phía gia đình học sinh bị xử lý kỷ luật, Trường THCS và THPT Việt Úc cho biết, đại diện phụ huynh học sinh cũng đã thông báo cho Trường về việc, trong văn bản đề nghị cho học sinh đi học trở lại, phụ huỳnh của em K cho biết em đã nhận ra sai phạm của mình và cam kết không tái vi phạm.
Tuy nhiên, gia đình cũng mong muốn Ban Giám hiệu thay đổi hình thức kỷ luật đối với em để học sinh này sớm được trở lại trường học. Sau khi xem xét tính chất, mức độ vi phạm và tạo điều kiện để học sinh học tập trong thời gian chờ Ban Giám hiệu xem xét đề nghị của gia đình và sau khi đánh giá toàn diện vụ việc, Ban Giám hiệu quyết định giữ nguyên mức kỷ luật để đối với học sinh vi phạm và thông báo đến gia đình học sinh được biết để phối hợp.
Thế nhưng phụ huỳnh của học sinh bị xử lý kỷ luật không đồng ý với các giải quyết của Ban Giám hiệu và tiếp tục có các ý kiến và khiếu nại về cách xử lý sự việc của Ban Giám hiệu dẫn đến tình trạng việc xử lý kỷ luật học sinh của Trường THCS và THPT Việt Úc không phát huy được hiệu quả do thiếu sự phối hợp của gia đình.
Đánh giá về quyết định của Ban Giám hiệu Trường THCS và THPT Việt Úc, Luật sư Phạm Thu Thủy, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Minh Advocate cho biết, quyết định kỷ luật mà Trường áp dụng đối với học sinh vi phạm là phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 37, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giám dục và Đào tạo về Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học thì những điều học sinh không được làm là “Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng”. Trường hợp học sinh vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 38 là “Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Việc tạm dừng học có thời hạn là mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm vì hành vi đánh nhau có thể bị xử phạt hành chính và nếu gây ra thương tích nặng hoặc sử dụng hung khí thì trách nhiệm còn nặng hơn. “Do đó, việc Ban Giám hiệu xử lý nghiêm khắc vi phạm như trường hợp này sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh mà việc kỷ luật còn như một “liều thuốc đắng” nhưng hiệu quả, giúp học sinh nhìn nhận một cách nghiêm túc về lỗi lầm của mình”, Luật sư Phạm Thu Thủy cho biết.
Tình trạng bắt nạt hoặc đánh nhau ở các học sinh khối phổ thông trung học là việc không cá biệt, thậm chí còn là vấn nạn của một số cơ sở giáo dục. Vì vậy, bên cạnh việc dạy học, Ban Giám hiệu các trường trung học còn đề cao trách nhiệm duy trì kỷ luật nơi học đường, để các học sinh, nhất là nhóm yếu thế được học tập trong một môi trường học tập an toàn. Việc thực hiện các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với các nhóm hành vi đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng luôn được trú trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và giữ gìn môi trường học đường không bạo lực, đồng thời giúp các học sinh vi phạm nhận thức và thay đổi cách ứng xử của mình.
Về vấn đề này, đại diện Trường PTTH Việt Úc Hà Nội cho biết, Trường là cơ sở giáo dục đề cao các giá trị nhân văn trong không gian học đường và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các học sinh được phát triển bản thân. Việc duy trì một môi trường học đường không bạo lực và an toàn là ưu tiên hàng đầu của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Trường. Việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh vi phạm nhằm hướng đến việc giáo dục, giúp đỡ chính học sinh. Vì vậy, Ban Giám hiệu luôn đảm bảo sự khách quan và mong muốn gia đình cùng phối hợp để phát huy hiệu quả biện pháp giáo dục đối với các con, kể cả đối với việc kiểm điểm và xử lý các lỗi lầm của các con, để các con trưởng thành hơn trong cuộc sống và học tập.
“Đối với các biện pháp giáo dục, kể cả biện pháp xử lý kỷ luật đối với học sinh, để có hiệu quả thì Nhà trường rất cần sự phối hợp của gia đình trong việc giúp con nhận ra thiếu sót và hoàn thiện bản thân. Việc thiếu sự đồng thuận trong việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng của các con sẽ khiến cho các biện pháp giáo dục không phát huy được hiệu quả và tạo ra tâm lý được bảo vệ khiến các con sẽ chủ quan hơn trong việc thay đổi bản thân theo các chuẩn mực giáo dục của nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, Nhà trường rất mong muốn các bậc phụ huynh cùng Nhà trường động viên và giúp các con cùng nhận ra thiếu sót, hóa giải mâu thuẫn để cùng nhau học tập và hoàn thiện bản thân từ sự việc này”, Đại diện Trường THCS và THPT Việt Úc cho biết thêm.