Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thu, phạt trên 350 tỷ đồng. Để đảm bảo cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và các bộ chức năng, lên kế hoạch tổ chức phục vụ Tết, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, cho vay tạm trữ, bảo đảm cho nhân dân cả nước được đón Tết chu đáo, an toàn, vui vẻ.
Càng gần Tết, tình trạng buôn lậu càng phức tạp. Ảnh minh họa: MH |
Nhiều địa phương tiếp tục triển khai chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường, một số chương trình được thực hiện với phương thức mới không cần vay vốn từ ngân sách nhà nước; 16 địa phương thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết với tổng số tiền ước tính trên 1.166 tỷ đồng.
Ngoài lượng hàng dự trữ với số vốn được các địa phương hỗ trợ, các doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh cũng chủ động chuẩn bị lượng hàng dự trữ chuẩn bị phục vụ Tết với tổng số tiền ước khoảng 180 - 200 tỷ đồng.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, càng gần Tết Nguyên đán, các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại sẽ càng phức tạp, đòi hỏi các lực lượng tập trung cao hơn, đấu tranh quyết liệt hơn. Theo quy luật, hàng giả càng được tiêu thụ nhiều hơn, trà trộn vào thị trường hàng hóa, trong đó phổ biến nhất là những nhóm mặt hàng quần áo, thực phẩm, các hàng hóa gia dụng, một số loại vật tư nông nghiệp thường được dự trữ để sử dụng vào đầu năm mới.
Đánh giá cao sự vào cuộc phối hợp của các lực lượng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, song Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tại nhiều địa bàn, trên nhiều lĩnh vực được thực hiện với phương thức ngày một tinh vi, phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất, trong khi khung pháp lý còn sơ hở và chồng chéo, công tác dự báo tình hình thị trường chưa chủ động, chưa được chú trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lực lượng đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chú ý đến các tuyến, địa bàn xung yếu và các địa bàn trọng điểm tiêu dùng nhiều vào dịp cuối năm. Công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phải làm đúng chức năng được giao và phải truy đến cùng, địa bàn nào, lực lượng đó phải chủ trì, lực lượng hải quan chịu trách nhiệm tại khu vực cửa khẩu, buôn lậu trên biển cảnh sát biển phải đảm nhiệm, thẩm lậu qua biên giới lực lượng biên phòng phải chịu trách nhiệm...
Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ với nhau, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thống nhất, cung cấp thông tin cho nhau để đem lại kết quả tốt nhất. Trong đó, các lực lượng phải nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm, nhất là tại các khu dân cư đông đúc, nắm các mặt hàng có nguy cơ buôn lậu, gian lận, làm giả cao để đấu tranh như: pháo, thuốc lá, rượu, thực phẩm, xăng dầu, hóa chất, gỗ quý hiếm, ma túy, vàng...
Các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương phải chỉ đạo các đơn vị chức năng phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật các ổ nhóm, đường dây buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tổ chức kiểm tra các việc kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gia súc, gia cầm trong Tết…