Xây dựng phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Ngãi đã ký quyết định thu hồi phù hiệu của gần 130 phương tiện, trong đó có gần 100 xe khách, xe buýt vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông. Số lần vi phạm tốc độ của nhiều xe khách, xe buýt lên đến cả ngàn lần chỉ trong một tháng. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận một doanh nghiệp xe khách ở Quảng Ngãi có tổng số lần các xe vi phạm tốc độ trong một tháng lên tới hơn 6.000 lần, với tổng km vi phạm gần 12.500km.
Trên thực tế, trường hợp các xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, tương đối phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê, trong ba tháng đầu năm, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 3.000 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên/tháng; đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở đối với hơn 8.300 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu giám sát hành trình (GSHT).
Nhằm tăng cường các biện pháp xử lý xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam mới đây cho biết sẽ xây dựng phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị GSHT với Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) để xử lý xe khách vi phạm. Cụ thể, hàng tháng Cục Đường bộ Việt Nam đều có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường theo dõi, kiểm tra và trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, các hành vi vi phạm phổ biến của xe khách còn bao gồm: vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe, chở quá tải trọng, quá số người quy định, đi sai làn đường, tránh hoặc vượt xe không đúng quy định, lạng lách, đánh võng, tranh giành khách trên đường gây ách tắc, mất trật tự…
Số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 3/2023, đã có gần 940.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị GSHT truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT. Tuy nhiên, theo Cục Đường bộ Việt Nam, qua rà soát trên hệ thống một số Sở GTVT vẫn chưa cập nhật đầy đủ thông tin từ dữ liệu thiết bị GSHT theo quy định. Do vậy, Cục yêu cầu các sở GTVT rà soát, chịu trách nhiệm cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT đối với toàn bộ phương tiện do Sở GTVT đã cấp phù hiệu, biển hiệu.
Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật
Mặt khác, Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông hiện đã được Bộ Công an tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo quần chúng nhân dân để chỉnh sửa, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Nếu được thông qua, Luật Trật tự an toàn giao thông sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông. Trong đó, về vấn đề tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Dự thảo Luật nêu rõ cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.
Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đối với xe khách nói riêng. Dù vậy, nếu chỉ chờ vào một lực lượng đơn lẻ sẽ rất khó đạt hiệu quả cao trong đấu tranh triệt xoá vi phạm.
Trong nhiều trường hợp, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với CSGT, Cảnh sát trật tự, thậm chí là Cảnh sát hình sự mới đủ để “đương đầu” với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống camera GSHT cũng được xem là giải pháp công nghệ hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thông qua “phạt nguội”.