Xử lý tin tố giác hành vi bạo lực gia đình: Theo quy trình nhanh nhất

(PLVN) - Nhiều người Việt vẫn cho rằng cụm từ “bạo lực” không nên được sử dụng trong gia đình, giữa những người thân với nhau bởi đây là một khái niệm mạnh. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều hình thức bạo lực gia đình (BLGĐ) thường không được coi là bạo lực, hoặc được lý giải theo nhiều hướng bao biện khác nhau.
Ảnh minh họa

Cũng từ lý do này mà thời gian qua, tình trạng BLGĐ có những diễn biến phức tạp. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5 - 12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi...

Điều đáng lo ngại là vấn đề bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị chính nạn nhân che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Từ thực tiễn này, Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ; điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình... Luật được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Có thể thấy, những điểm mới của Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022 được xây dựng theo nguyên tắc “trong phòng có chống”, “trong chống có phòng”. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống BLGĐ; sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi BLGĐ; bổ sung Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình...

Từ quy định của Luật Phòng chống BLGĐ, đặt ra một vấn đề là cơ chế tiếp nhận, xử lý tin tố giác hành vi bạo lực gia đình sẽ như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất là ngăn chặn được hành vi bạo lực, cũng như hỗ trợ nạn nhân. Mới đây, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP do Chính phủ mới ban hành ngày 1/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ đã nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin tố giác về hành vi BLGĐ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.

Theo đó, Nghị định 76 quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi BLGĐ qua Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ qua Tổng đài được đề xuất như sau: người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi BLGĐ thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi BLGĐ; người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi BLGĐ. Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi BLGĐ, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi BLGĐ để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Nghị định 76 cũng nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống BLGĐ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ để xác minh tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ khi có yêu cầu; cơ quan công an, đồn biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ có trách nhiệm thông báo kết quả việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin, tố giác về hành vi BLGĐ...

Đọc thêm