Đừng thêm những cái chết vô nghĩa
Dư luận quả thực bàng hoàng và xót xa với hậu quả của vụ tai nạn tại xã Đắk R’la nêu trên. Chỉ trong phút chốc, 5 người bị tước đi mạng sống bởi một tai nạn bất ngờ khi đang đi mua sắm.
Cách đây hơn 5 năm, tại TP HCM, một vụ dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng đường gián tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm. Khoảng 20h30' ngày 21/11/2015, xe tải cẩu biển số 54Y-8719 lưu thông trên đường Lê Thị Hoa (hướng từ KCN Sóng Thần về tỉnh lộ 43).
Khi cách cầu vượt Gò Dưa khoảng 500m, tài xế xe tải phát hiện phía trước có rạp đám cưới dựng chắn hết nửa con đường nên đánh tay lái để tránh thì đâm phải hai xe gắn máy (trong đó có một xe gắn máy của một đôi vợ chồng và cháu bé ba tuổi) đang lưu thông phía trước khiến những người trên hai xe ngã xuống đường bị thương.
Chưa dừng lại, chiếc xe tải tiếp tục lao đi và tông vào em N.T.D.T (16 tuổi, quê quán Kiên Giang) đang đi bộ trên đường khiến em này tử vong tại chỗ. Xót xa hơn nữa về sự ra đi của T, bởi gia cảnh của em vô cùng khó khăn. Bố em làm nghề phụ hồ, mẹ em bán rau cải ngoài chợ. T là con lớn trong gia đình nghỉ học sớm đi làm công nhân phụ giúp cha mẹ. Sau khi tai nạn xảy ra, bố mẹ T không biết làm cách nào để đưa thi thể em về quê an táng vì trong túi chỉ có vài trăm nghìn.
Những vụ TNGT thương tâm xảy ra, nhiều người đau xót khi chứng kiến những nạn nhân mất mạng và bị thương. Nhưng nhiều người cũng bức xúc cho rằng, nếu như không có rạp đám cưới dựng choáng hết làn đường dành cho các phương tiện lưu thông, không có những chợ dân sinh họp dưới lòng, lề đường thì vụ TNGT như vậy sẽ không xảy ra nghiêm trọng như trên. Lấn chiếm lòng được để phục vụ mục đích cá nhân nhưng không có biển báo hiệu nên tai nạn xảy ra là khó tránh.
Rạp đám cưới, đám ma dựng dưới lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. |
Tai nạn đã xảy ra và người đã chết. Điều đó không thể thay đổi, nhưng có một điều có thể thay đổi chính là ngăn ngừa, hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra. Để những cái chết này không vô nghĩa, cần có sự xem xét nghiêm túc nguyên nhân xảy ra, để từ đó có những giải pháp phòng ngừa những vụ việc tương tự, không chỉ ở nơi đã từng xảy ra vụ việc, mà còn là ở những địa phương khác, tránh những thảm trạng cha mất con, vợ mất chồng… bởi những cái chết “từ trên trời rơi xuống”…
Không thể quy trách nhiệm chung chung
Dù các ngành chức năng và nhiều địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm HLATGT nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra phổ biến, gây mất ATGT và là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của rất nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Không chỉ lấn chiếm hành lang đường bộ, hoặc lòng đường để làm nơi buôn bán, họp chợ, người dân còn biến nhiều đoạn đường thành sân phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản, là bãi tập kết nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng, nhà xưởng sản xuất. Thậm chí có trường hợp cố tình xây dựng trái phép các công trình dân sinh hoặc dựng cột điện trên HLATGT.
Ngoài nguyên nhân “lịch sử” để lại thì tình trạng vi phạm HLATGT còn do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán. Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên lực lượng chức năng có dẹp được chỗ này thì mai họ lại chạy sang chỗ khác. Hoặc lúc có lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành nhưng sau khi lực lượng chức năng đi rồi thì đâu lại vào đó.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm HLATGT đã được quy định rõ ràng song thực hiện chưa mạnh tay, nhất là đối với những trường hợp bày bán hàng tùy tiện theo kiểu chợ cóc, chợ họp lấn đường hoặc phơi, rơm rạ trên đường...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm nhiều tới công tác giải tỏa xử lý vi phạm và giữ gìn bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Có địa phương tổ chức ký cam kết không vi phạm với các hộ dân nhưng lại không thường xuyên kiểm tra, theo dõi dẫn đến tỷ lệ tái vi phạm, tái lấn chiếm vẫn còn rất cao.
Do vậy, để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường, biện pháp đầu tiên chính là sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, quyết liệt xử lý các vi phạm, tránh tình trạng ký cam kết là xong, rồi buông xuôi, bỏ mặc không kiểm tra đôn đốc.
Việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm HLATGT là việc làm thiết thực, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Bởi thực tế, lực lượng chức năng giải tỏa xong sẽ bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương quản lý.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra do chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ, lực lượng thực hiện nhiệm vụ quá mỏng, các công an viên ở địa phương phải kiêm nhiệm nhiều việc… Bên cạnh đó, động lực tham gia bảo vệ hành lang giao thông, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành mới chỉ mang tính chất tức thời, chưa thực sự chặt chẽ và thiếu tính đồng bộ.
Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, sự chủ động của chính quyền địa phương trong chỉ đạo lực lượng chức năng giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm HLATGT có vai trò rất quan trọng.
Thực tế cho thấy có những mô hình xử lý khá hiệu quả như: chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm và duy trì các vị trí đã giải tỏa. Những vị trí đã cưỡng chế, giải tỏa tổ chức cắm mốc rõ ràng, đặt biển báo hiệu; bàn giao trách nhiệm quản lý cho từng đơn vị. Nếu đơn vị, cá nhân nào để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm sẽ bị kiểm điểm, hạ bậc thi đua hoặc kỷ luật.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Tất cả những hành vi vi phạm HLATGT đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người dân. Để chấn chỉnh và xóa bỏ thực trạng trên, cần thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Nhưng, một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai là công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ HLATGT. Có như vậy mới huy động được sự ủng hộ tham gia của cả xã hội trong công tác bảo vệ, giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Để thực hiện tốt việc này, chính quyền địa phương lập các tổ công tác đến từng hộ gia đình nằm dọc các tuyến đường để tuyên truyền, xác định chỉ giới hành lang; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại đối tượng vi phạm lấn chiếm HLATGT và các hành vi khác để thông báo và tổ chức ký cam kết với các hộ vi phạm; vận động, thuyết phục để người dân tự giác tháo dỡ các công trình sai phép, trả lại mặt bằng ban đầu; đồng thời tiếp tục giải tỏa HLATGT nhiều lần trên một tuyến đường, một khu dân cư khi có dấu hiệu tái phạm.
Đi đôi với tuyên truyền là công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền của cơ quan chức năng. Trong đó, đội quản lý trật tự giao thông, xây dựng và môi trường các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa; tổ chức các đợt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm và tái vi phạm HLATGT nhằm lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị trên từng địa bàn dân cư...
Tập trung dẹp, dỡ các hộ có mái che, mái vẩy, bạt quảng cáo và bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường và HLATGT, bảo đảm cho đường thông, hè thoáng.
Chính quyền địa phương cần xử lý quyết liệt, không nể nang, không ngại va chạm khi xử lý các hành vi vi phạm HLATGT, tránh tình trạng sau mỗi đợt ra quân giải tỏa, vi phạm đâu lại vào đấy.
Cần có chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm không đủ sức răn đe; thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các điểm mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các hộ dân, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được việc bảo vệ HLATGT là trách nhiệm của mỗi người.