Xử lý vướng mắc trong việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá

(PLVN) - Việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã khá chi tiết. Tuy nhiên, quy trình tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá có những điều kiện chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn, cần có cách xử lý thỏa đáng.
Xử lý vướng mắc trong việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá

Không thể giao nhà vì liên tục hủy án

Cách đây hơn 13 năm, vào tháng 3/2006, để thi hành án một bản án của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM, chấp hành viên Cục THADS TP HCM đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố (gọi tắt là Trung tâm) nhằm bán đấu giá nhà, đất số 36 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP HCM (gọi tắt là nhà số 36).

Trung tâm đã tổ chức bán đấu giá nhà số 36 và ông H.N.T là người trúng đấu giá với giá 3.505 lượng vàng SJC. Ngày 16/5/2006, Trung tâm và ông T ký hợp đồng mua bán tài sản (có công chứng). Theo hợp đồng, thời hạn giao tài sản cho ông T là trong vòng 30 ngày (kể từ ngày nộp đủ tiền mua tài sản).

Ngày 23/5/2006, ông T nộp đủ số vàng mua nhà trúng đấu giá tại Trung tâm. Sau đó, Cục THADS thành phố có văn bản giải tỏa kê biên tài sản để giao nhà cho ông T. Cục cũng đã chi trả cho người được thi hành án 3.273 lượng vàng SJC...

Tuy nhiên, sau đó quá trình cưỡng chế giao nhà số 36 cho ông T đã bị một số cơ quan chức năng can thiệp để chờ kết quả giải quyết khiếu nại của phía người phải thi hành án. Đáng chú ý, bản án của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm và phải trải qua thêm hai phiên tòa phúc thẩm, một phiên họp giám đốc thẩm nữa nên việc giao nhà cho ông T chưa thực hiện được.

Vụ việc càng thêm trái khoáy khi cuối năm 2012 lúc bản án phúc thẩm lần ba có hiệu lực pháp luật, người trúng đấu giá là ông T không đồng ý nhận nhà số 36 nữa thì tạm thời không tiếp tục đề cập mà trên đây chỉ là một trong ví dụ điển hình về rắc rối trong quá trình thực hiện quy định giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã bị hủy.

Cụ thể, tại Điều 103 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định tại khoản 1 là “Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Còn khoản 2 nêu rõ: Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS thì quy trình tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá có những điều kiện chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn.

Cần phân biệt hai trường hợp để giải quyết

Nhằm giúp tháo gỡ vướng mắc từ thực tế cho địa phương, Tổng cục THADS đã đưa ra hai phương án xử lý. Thứ nhất là trường hợp đã bán đấu giá thành tài sản, người mua tài sản đã nộp đủ tiền, đủ điều kiện nhận tài sản mới nhận được thông báo thụ lý của Tòa án để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bán đấu giá theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật THADS thì cơ quan THADS vẫn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá ngay tình theo quy định tại Điều 103 Luật THADS, khoản 2,3 Điều 7 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Theo đó, trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình. Trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá ngay tình, trừ trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều 72 của Luật Đấu giá tài sản.

Thứ hai là trường hợp đã bán đấu giá thành tài sản, người mua tài sản đã nộp đủ tiền, đủ điều kiện nhận tài sản, cơ quan THADS mới nhận được thông báo thụ lý của Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thì cần sửa đổi, bổ sung Điều 48 và Điều 103 Luật THADS theo hướng phải ra quyết định hoãn thi hành án, chờ kết quả giải quyết của Tòa án. 

Đọc thêm