Xử nghiêm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ

Còn khá lớn số trẻ chưa được hưởng thụ hạnh phúc, quyền lợi uống sữa mẹ. Theo các chuyên gia, nguyên do chủ yếu là do các thông tin sai lệch về nuôi con bằng sữa mẹ, cùng với sự phổ biến và quảng bá tràn lan các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Việc quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ này khiến nhiều gia đình bị nhiễu thông tin khi cân nhắc lựa chọn dinh dưỡng tốt nhất cho con họ.

Nhân tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra từ ngày 1/8-7/8/2012 với sự phối hợp của Bộ Y tế, Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), WHO và Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển – Alive & Thrive, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao đổi xung quanh vấn đề giá trị của sữa mẹ với trẻ và những động thái, quan điểm của Nhà nước, Bộ Y tế Việt Nam trong việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.    
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Trẻ thông minh hơn nhờ sữa mẹ
“Nếu có một loại vắc xin mới có thể giúp phòng tránh tử vong cho hơn một triệu trẻ em, chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp và không cần bảo lạnh, vắc xin đó sẽ là một nhu cầu cấp thiết cho sức khỏe cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ) có thể làm được tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế”, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Nguyễn Viết Tiến.
Theo đánh giá của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ không chỉ giúp trẻ chống lại bệnh tật mà còn làm tăng cường sức khỏe và thúc đẩy sự tăng trưởng tối ưu của trẻ.
Sữa mẹ có cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn đối với trẻ. Cụ thể, khi đứa trẻ được sinh ra, sữa mẹ bao gồm các chất kháng thể và các hoạt chất sinh học khác chính là yếu tố miễn dịch đầu tiên giúp trẻ chống lại bệnh tật, nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những thực hành có lợi nhất mà một bà mẹ có thể bảo vệ con mình khỏi nhiễm khuẩn và vi rút.
Khi đứa trẻ lớn lên, các thành phần của sữa mẹ cũng sẽ thay đổi để đáp ứng những nhu cầu của trẻ đang lớn, điều mà các sản phẩm thay thế sữa mẹ không đáp ứng được… 
Không những thế, sữa mẹ còn làm tăng chỉ số thông minh của trẻ (trẻ được bú mẹ càng lâu thì càng có khả năng trí tuệ cao hơn, điều này thể hiện qua những kỹ năng vận động, kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức hoàn thiện hơn ở trẻ)… Những bà mẹ có con bú lâu dài tiết kiệm được chi phí trong gia đình, thời gian và ít nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư buồng trứng, trầm cảm sau sinh… 
Vì sao mẹ “cấm vận con”?
Thông tin được chính thức Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế đưa ra cho thấy, chỉ có 62% trẻ em Việt Nam được bú mẹ trong giờ đầu; 19,6% trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu đời và cứ 10 bà mẹ thì có 3 người (31%) nuôi con chủ yếu bằng sữa mẹ (sữa mẹ + thức uống khác) trong vòng 6 tháng đầu… Điều đó cho thấy, vẫn còn khá lớn số trẻ chưa hề được hưởng thụ niềm hạnh phúc, quyền lợi của mình. 
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia y tế và hoạch định chính sách, phần lớn là do các thông tin sai lệch về nuôi con bằng sữa mẹ, cùng với sự phổ biến và quảng bá tràn lan các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Chính việc quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ này khiến cho các gia đình bị nhiễu thông tin khi cân nhắc lựa chọn dinh dưỡng tốt nhất cho con cái họ. Ngoài ra, một số ít bà mẹ do áp lực công việc, thời gian eo hẹp, rồi sợ ảnh hưởng đến dung nhan cũng “cấm vận”, hạn chế con được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. 
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do Nghị định 21 về Kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ chưa được thực hiện nghiêm. Một cuộc điều tra về việc thực hiện Nghị định 21 được tiến hành năm 2011 cho thấy, các công ty sữa đã và đang vi phạm Nghị định này theo nhiều cách và trên diện rộng.
Phổ biến là các sai phạm: Trưng bày tên và biểu tượng của các sản phẩm/công ty tại các cơ sở y tế; sữa công thức còn được bày bán trong khuôn viên bệnh viện và thậm chí thông qua các nhân viên y tế; quảng cáo và nhãn mác của các sản phẩm sữa đưa ra thông tin không được kiểm chứng về lợi ích của các sản phẩm.
Thực tế, có tới hơn 10% các bà mẹ được hỏi cho biết, nhân viên bán hàng của các công ty sữa đã tiếp cận trực tiếp với họ nhằm mục đích tiếp thị, bán hàng, thậm chí nhiều sản phụ và người nhà sản phụ phản ánh, chính nhân viên y tế nhiều cơ sở y tế trực tiếp tư vấn, quảng cáo và bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho họ…
Nghiêm khắc xử lý kể cả các đơn vị trong ngành
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã khẳng định như vậy xung quanh vấn đề quan điểm của Nhà nước, Bộ Y tế Việt Nam trong việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, khắc phục những sai phạm trong việc tư vấn, quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Theo ông Tiến, nếu có đầy đủ sữa cho con bú và không bị bệnh lý gì, không có cớ gì để bà mẹ không cho con bú. Tuyệt đối không nên sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhất là trong 6 tháng đầu đời của đứa trẻ.
Bên cạnh việc tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Lao động sửa đổi, trong đó điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản lên 6 tháng để đảm bảo cho trẻ có thời gian bú sữa mẹ cần thiết và cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo trong đó quy định rõ ràng về quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thì những vi phạm trong việc tiếp tay cho các hãng sữa trong cơ sở y tế, theo ông Tiến, đó là hành vi vi phạm pháp luật và phải xử lý. Thực tế, đã tồn tại các sai phạm này và các trường hợp vi phạm đều đã bị kỷ luật.
Ông Tiến kêu gọi người dân và cơ quan thông tin đại chúng nếu phát hiện các sai phạm này nên thông báo và phối hợp với lãnh đạo các bệnh viện và cơ quan chức năng xử lý thích đáng để ngăn chặn tình trạng trên.  

Trà Long

Đọc thêm