Khẳng định này được đưa ra để giải đáp câu hỏi của một thành viên từ một vụ việc đã xảy ra ở Hải Dương.
Tại cuộc họp, một thành viên nêu vấn đề liệu có phải bồi thường nhà nước khi xử phạt về sau mới bị phát hiện là không đúng, qua hoạt động kiểm tra mà phát hiện được thì xử lý trách nhiệm như thế nào, nhất là trường hợp tiền phạt đã nộp vào ngân sách Nhà nước…?.
Còn vụ việc ở đây chính là vụ Công an tỉnh Hải Dương đã từng phải bồi thường 650 triệu đồng cho lô hàng 2 tấn bạch tuộc không xuất xứ từ vùng có dịch, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ lại giữ hàng vì cho rằng lô hàng này không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Cụ thể, tối 27/5/2013, xe tải do tài xế Nguyễn Quang Hưng (ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh) điều khiển chở lô hàng bạch tuộc của các chủ hàng lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi xe chạy qua địa phận tỉnh Hải Dương đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Thấy lô hàng là bạch tuộc, lực lượng Cảnh sát giao thông đã thông báo cho Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương.
|
Ông Đặng Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp |
Sau đó, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã đến đưa xe ô tô cùng hàng hóa về bãi lưu giữ với lý do lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do quá trình lập biên bản, xử lý vụ việc của cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường quá lâu dẫn đến bạch tuộc chết, bị phân hủy.
Đại diện chủ lô hàng cho rằng bạch tuộc ở Cần Giờ, TP HCM vốn không phải là vùng có dịch bệnh nên không cần giấy kiểm dịch… Trước việc làm sai trái này, Công an Hải Dương đã chấp nhận bồi thường số tiền "khủng" như trên.
Cũng tại cuộc họp này, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề khác từ báo cáo dự kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan chủ trì soạn thảo. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trương Hồng Dương cho rằng, nhiều người quan niệm mức phạt vi phạm hành chính càng cao sẽ càng có mang tính răn đe lớn nhưng theo ông, trong điều kiện hiện nay, với lực lượng cán bộ hiện có thì phải tính toán mức phạt phù hợp mới khả thi, bảo đảm sự răn đe, không nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến phạt tiền.
Đến từ Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Bình lại phản ánh một vướng mắc của Bộ này về thẩm quyền xử phạt, đó là cơ quan giải quyết tranh chấp lao động (Hội đồng trọng tài) phát hiện vi phạm, lập biên bản xử lý thì bước tiếp theo là gì. “Nếu được, tốt nhất là cho phép Hội đồng trọng tài được ra quyết định xử phạt ngay” – ông Bình đề xuất.
|
Toàn cảnh cuộc họp tổ chuyên gia |
Bên cạnh đó, ông Bình kiến nghị cân nhắc khi sửa đổi các quy định về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong bối cảnh chuẩn bị triển khai các chủ trương của Nhà nước về cai nghiện theo hướng hạn chế đưa vào các cơ sở cai nghiện, tăng cường cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Bày tỏ sự nhất trí cao phải sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, ông Nguyễn Thái Hà (Công an TP Hà Nội) đề nghị tới đây phải quy định rõ để có thể phân biệt được thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản bởi thực tế vẫn có người hiểu người có thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản là không ổn. “Không lẽ trong một vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch thành phố thì Chủ tịch thành phố đi lập biên bản” – ông Hà nêu.
Hay quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, ông Hà dẫn chứng, trong một vụ bắt sòng bạc lớn có thể lên đến hàng trăm người, lực lượng chức năng phải sàng lọc đối tượng mà nếu chỉ tạm giữ hành chính 12 – 24h là không thể làm kịp. Nêu hàng loạt minh họa, ông Hà “chốt”, có nhiều nội dung nếu không quy định thì thực tế triển khai rất khó.
Cảm ơn các ý kiến của chuyên gia, ông Sơn cho hay do đây mới là cuộc họp đầu tiên nên sẽ lắng nghe, ghi nhận tất cả các đề xuất. Tới đây, Cục sẽ tổ chức nhiều cuộc họp chuyên môn sâu hơn và ông Sơn mong muốn các chuyên gia sẽ nêu các giải pháp tháo gỡ, chứ không đơn thuần phản ánh các khó khăn, vướng mắc.