Xử phạt mạnh tay có chặn được xem phim… “chùa” ?

(PLO) - Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã bắt đầu được thực thi với những quy định siết chặt về quyền và bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực phim điện ảnh và phim truyền hình trên các phương tiện truyền thông.
Một cảnh trong phim Đừng đốt
Một cảnh trong phim Đừng đốt
Thất thoát kêu trời
Theo quy định của Nghị định này, mức phạt tối đa cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan lên tới 250 triệu đồng (đối với cá nhân) và 500 triệu đồng (đối với tập thể). Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân còn có thể buộc phải thi hành một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Mức phạt này được các nhà hoạt động điện ảnh nhìn nhận là khá nghiêm khắc, tuy nhiên để triển khai được trong thực tế lại hoàn toàn không đơn giản. 
Từ nhiều năm nay, chỉ cần một cú nhấp chuột đã có thể tiêu tan bản quyền của những bộ phim bạc tỉ. Một hành động phát tán bừa bãi cũng có thể làm sạt nghiệp cho một hãng phim truyền hình. Chưa khi nào tác quyền văn học, điện ảnh, truyền hình… lại kêu cứu khẩn thiết như thời điểm này.
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh nhận xét: Không có lĩnh vực nào mà bản quyền bị vi phạm trắng trợn như điện ảnh. Với cơ chế Nhà nước bao cấp làm phim, phim làm ra được chiếu ở đâu, đạo diễn còn không được thông báo. Thế nhưng, nhiều bộ phim truyền hình chưa phát sóng đã bị in đĩa lậu, nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới tràn ngập trên internet. 
Tháng 7 vừa qua, các hãng phim lớn của Mỹ đã phải nhờ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) gửi đơn yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xử lý 3 trang web của Việt Nam chia sẻ các bộ phim thuộc sở hữu của các thành viên MPA. Theo đó, chỉ mất 2.000 đồng, người xem có thể ngồi trước internet xem trọn vẹn nhiều bộ phim mới ra mắt, phim bom tấn, phim thuộc bản quyền của các hãng nổi tiếng của Mỹ. 
Trước đó, đầu năm 2012, khi nhà sản xuất bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn còn đang nóng lòng bán “đứa con tinh thần” của mình cho các đài truyền hình thì đĩa phim đã được bán đầy tại các cửa hàng băng đĩa. Thậm chí, Bụi đời Chợ Lớn - bộ phim bị cấm chiếu nhưng xuất hiện bản đầy đủ trên mạng. Thế nên, một đạo diễn hài hước nói: “Ở Việt Nam, muốn xem phim gì, cứ lên mạng là có”.
Mặc dù những thất thoát của các nhà làm phim và Nhà nước từ việc khán giả xem phim miễn phí trên mạng chưa từng được thống kê, tuy nhiên, theo ông Đào Việt Dũng - Trưởng phòng Thương mại điện tử (Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) thì: Thống kê trên một trang mạng, có 7 chương trình video, gồm 2 chương trình ca nhạc và 5 bộ phim. Nếu mỗi người xem chỉ trả 1.000 đồng thì chỉ trong vòng nửa năm, số tiền đã lên đến 95 tỷ đồng. Thực tế ở nước ta, việc sử dụng video đều không có bản quyền, các trang mạng chỉ đưa video lên để thu hút người truy cập rồi sau đó bán quảng cáo. Việt Nam hiện có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và nhạc), với 90% lượng người dùng internet đều sử dụng sản phẩm video thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát sẽ rất lớn.
Ông Lê Minh Thành - Giám đốc Công ty Truyền thông Gia Việt cho biết: “Năm 2006 chúng tôi thương lượng và bỏ ra 350 triệu đồng để mua bản quyền hai bộ phim điện ảnh là Cánh đồng hoangMùa gió chướng của Hãng phim Giải Phóng về chiếu trên trang www.ephim24g.net. Nhưng khi phim vừa đưa lên thì rất nhiều trang mạng khác cũng có. Bức xúc vì phải bỏ ra một số tiền lớn mua bản quyền để rồi bị xâm phạm, tôi mang chuyện khiếu nại nói với anh Thái Hòa - Giám đốc hãng phim thì được trả lời một cách đau khổ: “Tôi cũng bó tay chứ biết làm sao bây giờ”.
Cuộc chiến gian nan
Nhiều quốc gia đã chặn ineternet để hạn chế phần nào tình trạng này, tuy nhiên, biện pháp này rất khó khả thi với Việt Nam. Theo ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, vấn đề là phải có một tổ chức quản lý tập thể đứng ra, có đủ tính pháp lý để thực hiện việc giám sát và thu tiền bản quyền điện ảnh. Song, điều đó cũng không dễ dàng bởi thực tế những năm qua, việc thu tiền bản quyền âm nhạc vô cùng gian nan.
Còn theo ông Đào Việt Dũng thì ở ta hay ở nước nào cũng vậy, vấn đề là phải có một cơ quan thực sự vào cuộc, thực sự sát sao với công việc để thực hiện vấn đề này chứ không chỉ là bàn thảo. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề cốt lõi. Nhiều vấn đề tồn tại là đặc thù của điện ảnh Việt Nam cần được làm rõ. Trong đó, điều quan trọng là sự phân định rạch ròi giữa quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh - một khái niệm còn mơ hồ ở nước ta. 
Có thể nói, giữa bối cảnh đời sống sản xuất phim ở Việt Nam còn nhiều bất cập, nhiều nghiệp dư, nhiều tồn đọng như hiện nay, theo bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH - TT&DL, để tránh những kiện cáo về bản quyền, các tác giả hãy chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ quyền của chính mình. Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 131 đã có những quy định rất rõ ràng về quyền và bảo vệ quyền tác giả. Các tác giả, tác phẩm khi bị vi phạm bản quyền có thể khởi kiện ra tòa án, hoặc có thể đi theo con đường hành chính (gửi đơn đến Thanh tra Bộ VH-TT&DL). Đã có những mức phạt rất cụ thể được ghi rõ, từ đó, với mỗi hành vi vi phạm bản quyền tác giả sẽ áp khung hình phạt rõ ràng. 
Ông Đặng Xuân Hải cho biết: Với đặc thù rất riêng, một bộ phim có thể được sản xuất bởi tư nhân, hoặc do Nhà nước đầu tư, mỗi nhà sản xuất khác nhau lại có những quyền khác nhau với tác phẩm, cũng như trách nhiệm với quyền tác giả. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phát hành với tác giả tác phẩm trong một bộ phim xưa nay khá phức tạp. Vì thế, chúng tôi đã kết hợp với một số đơn vị phát hành, sản xuất phim để cùng tìm một hướng đi hiệu quả, từ đó có thể lập một trung tâm bảo vệ quyền tác giả với phim điện ảnh và phim truyền hình.