Xử phạt như thế nào?
Theo khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, số lượng túi ni lông sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình lên tới 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi ni lông/năm. Trong số 48 siêu thị được khảo sát, có trên 95% hiện đang cấp túi ni lông miễn phí cho khách hàng.
Một trong các giải pháp để giải quyết hiện trạng trên là Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án PLASTIC ALLIANCE). Theo đó, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni lông đã được thành lập với sự cam kết tham gia của 16 nhà bán lẻ cùng các đối tác đồng hành nhằm giảm chất thải nhựa. Nhằm khẳng định thêm cam kết này, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã đề xuất: “Từ năm 2026 sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi ni lông dùng một lần cho khách hàng”.
Việc xử phạt hành vi cung cấp túi ni lông một lần cho khách hàng vốn không phải chủ ý mới mẻ trên thế giới nhưng việc xử phạt này sẽ được thực hiện như thế nào, mức chế tài nặng, nhẹ ra sao mới là băn khoăn chính từ phần đông dư luận.
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc áp dụng lệnh cấm cũng như hạn chế túi ni lông đã được nhiều quốc gia áp dụng từ rất sớm, với các mức độ, phạm vi khác nhau. Đơn cử, năm 2002, thành phố đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm sử dụng túi ni lông là Thủ đô Dhaka (Bangladesh) nhưng không có chế tài rõ ràng. Tiếp đó là Ireland, đánh thuế túi ni lông kể từ năm 2002 nhằm giảm lượng tiêu thụ túi ni lông xuống 90%. Sau này, các quốc gia châu Âu như Luxembourg, Đan Mạch cũng đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần.
Ở mức độ mạnh hơn, Chính phủ Nam Phi cấm dùng túi ni lông siêu mỏng từ tháng 5/2003; do đó những nhà bán lẻ vi phạm có thể đối mặt với án phạt tới 100.000 rand (khoảng hơn 300 triệu đồng) hoặc 10 năm tù giam. Mặt khác, năm 2010, Gabon là nước đầu tiên trên thế giới cấm tất cả các loại túi ni lông trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ. Còn tại Kenya, kể từ năm 2017, việc sản xuất, sử dụng túi ni lông là bất hợp pháp; bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD.
Có cần chờ đến năm 2026?
Bên cạnh những băn khoăn về chế tài xử phạt, nhiều người dân cũng đặt câu hỏi: Tại sao không áp dụng ngay bây giờ hoặc sớm hơn mà phải chờ đến năm 2026? Mặt khác, nếu đặt mục tiêu vào năm 2026 thì lộ trình từ nay đến thời điểm đó là như thế nào? Cơ chế nào để giám sát, đảm bảo các đơn vị tuân thủ xuyên suốt lộ trình đặt ra để có thể đạt đúng mục tiêu vào 4 năm sau?
Vào tháng 6/2019, Chương trình chống rác thải nhựa đã được phát động trên toàn quốc, đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 cả nước không dùng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Tiếp theo phong trào đó, nhiều tỉnh, thành đã đặt những mục tiêu tham vọng. Đơn cử, UBND TP HCM đã đưa ra, cuối năm 2020 các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... sẽ hoàn toàn sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng đến năm 2020.
Như vậy, các siêu thị, nhà bán lẻ đều đã có thời gian để chuẩn bị và chuyển dịch sang xu hướng “nói không với túi ni lông”. Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy, rất nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... tại TP HCM vẫn chủ yếu cung cấp túi ni lông cho khách hàng. Đây cũng là tình trạng chung tại hầu hết các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.
Theo số liệu thống kê năm 2021 từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Còn túi ni lông lại chiếm hơn 1/3 số lượng rác thải nhựa ở Việt Nam, theo Báo cáo kiểm toán rác thải Việt Nam giai đoạn 2018-2020 của Liên minh Không rác Việt Nam.
Tuy nhiên, để chống lại vấn nạn ô nhiễm nhựa, nếu chỉ “siết chặt” các siêu thị, trung tâm thương mại có thực sự giải quyết được “tận gốc” vấn đề? Trong khi đó, các đơn vị khác cũng sử dụng rất nhiều túi ni lông như các nhà hàng, quán ăn vỉa hè, quán cafe, chợ truyền thống,… thì xử lý ra sao? Mặt khác, nếu không có quy định hạn chế các nhà sản xuất túi ni lông tiếp tục sản xuất loại túi này thì số lượng túi ni lông lưu hành trên thị trường vẫn sẽ có thể gia tăng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Những vấn đề này liệu cũng phải chờ đến năm 2026 để được giải quyết hay sao?