Thượng tá Nhật cho biết sau sáu ngày áp dụng Nghị định 100, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp. “Đây là quyết tâm lớn của CSGT vì nghị định vừa ban hành và có hiệu lực từ 1/1, lực lượng CSGT đã nhanh chóng triển khai trên toàn quốc một cách thống nhất”, ông Nhật nói.
Tại sao có sự khác biệt về kiểu dáng, kích cỡ, cũ, mới của thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tại một số nơi?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Riêng với xử phạt nồng độ cồn, CSGT ở Việt Nam kiểm soát tiệm cận với các nước trên thế giới. Chúng ta kiểm soát từ định tính đối với phương tiện đi qua, tách dòng để phát hiện nồng độ cồn.
Các máy đo đang sử dụng là các máy được nhập khẩu từ Đức, Australia, theo đúng quy định Nghị định 165/2013/NĐ-CP (quy định việc quản lý, sử dụng, danh mục phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông - NV), thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng, được cấp kiểm định. Máy đo nhập từ nhiều nguồn khác nhau, được dán tem kiểm định. Dù máy có kiểu dáng thế nào song đều đảm bảo về pháp lý, là căn cứ xử phạt nồng độ cồn.
Về hình thức kiểm tra, chúng tôi có nhiều hình thức, một là theo chuyên đề hoặc tổng kiểm soát, tập trung đối tượng cụ thể như nhóm ôtô, nhóm môtô. Ngoài ra, trong công tác điều tra tai nạn cũng vẫn có kiểm soát nồng độ cồn.
Theo quy định, chỉ cần trong hơi thở có nồng độ cồn rất nhỏ cũng sẽ bị phạt. Vậy tôi phải làm sao khi uống siro ho, hoặc ăn trái cây, những thứ có thể tạo ra nồng độ cồn trong khí thở?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Nhiều người thắc mắc về tình huống này. Thực tế, máy đã cấp cho các địa phương thì sẽ đạt kiểm định và có thể phát hiện được tài xế có chất ethanol hay không. Khi ethanol trong cơ thể ở ngưỡng nào đó sẽ tác động tới hệ thần kinh người, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.
Điều này có thể gây hoang mang và tranh cãi vì nhiều người sợ ăn vải bị phạt. Nhưng để xử lý vi phạm, ngoài lập biên bản chúng tôi sẽ mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. Với những người có phản hồi lại, chúng tôi sẽ nhờ những lực lượng chuyên môn khác để làm rõ và chứng minh. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, với tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện 84 người bị xử lý tại Hà Nội trong đợt ra quân vừa qua, biên bản đều thể hiện rất rõ. Có 14 trường hợp bị phạt kịch khung vì nồng độ cồn cao. Như vậy, chưa có trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro.
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Qua theo dõi sáu tháng cuối 2019, chúng tôi ghi nhận chỉ có 640 trường hợp có vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến 0,25mg/lit khí thở. Toàn bộ trường hợp này không khiếu nại gì.
Khi lần đầu xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019, ông đánh giá thái độ hợp tác và sự hiểu biết của tài xế về quy định mới thế nào?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Khi thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm liên quan tới rượu bia, chúng tôi gặp không ít trường hợp không hợp tác. Lúc đó, chúng tôi bám chặt vào hướng dẫn của Bộ Công an. Theo như được tập huấn, chúng tôi giữ khoảng cách an toàn, ra tín hiệu còi gậy để dừng xe.
1. Nếu xe đó không giảm tốc độ, quay đầu hoặc cố tình đâm thẳng, chúng tôi sẽ ghi lại đặc điểm phương tiện, thông báo cho chốt liền kề, tổ chức dừng xe ở chốt khác.
2. Phòng CSGT có hệ thống camera có thể phạt nguội với các vi phạm.
3. Với những trường hợp không mở cửa: chúng tôi sẽ vận động quần chúng, tìm cách tiếp cận với lái xe và dùng công cụ hỗ trợ loa. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức xác minh “nóng” với người không chấp hành, nắm thông tin cơ bản của họ và phối hợp với cơ quan địa phương, liên hệ với người thân để liên lạc với người trong xe.
Trước khi ban hành Nghị định 100, Cục CSGT và cơ quan tham mưu có tham khảo nồng độ cồn để phạt ở các nước? Có nước nào yêu cầu nồng độ tuyệt đối 0%?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Luật pháp mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc mặt bằng dân cư, ý thức người dân. Việc soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc Bộ Y tế, khi trình đã có báo cáo tác động xã hội và có nghiên cứu khoa học để phù hợp với Việt Nam. Chúng ta đã thấy những nỗi đau do tai nạn giao thông vì sử dụng rượu bia là quá lớn. Những vụ tai nạn ở Long An, Vĩnh Phúc, Hà Nội... khiến dư luận hết sức bức xúc, rượu bia gây tổn tại sức khỏe cộng đồng.
Trường hợp tài xế không yên tâm với thiết bị đo có được đề nghị CSGT cho xem ống mới vừa được xé ở túi để thổi hay không, hoặc đề nghị được thổi lần thứ hai hay không?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi sẽ bám sát các quy trình tuần tra kiểm soát. Mỗi lần thổi chúng tôi sẽ sử dụng ống mới và chỉ sử dụng một lần mỗi người. Trường hợp người điều khiển nghi ngờ và muốn thay ống khác, chúng tôi cũng sẽ thử ống khác.
Mỗi tổ công tác có tối thiểu ba đồng chí, hai máy đo nồng độ cồn, và thường mang tối thiểu 15 ống đo nồng độ cồn. Căn cứ vào thời gian tuần tra, chúng tôi sẽ chuẩn bị đủ số lượng để đảm bảo hoạt động của các tổ công tác.
Tôi sử dụng rượu bia, lúc về gặp CSGT, nhưng tôi xuống dắt xe qua thì có bị thổi nồng độ cồn không?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Lực lượng CSGT ra quân để đấu tranh với vi phạm giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Với những người đã bị phát hiện có hành vi điều khiển phương tiện, dù ở vị trí nào cũng sẽ bị lập biên bản. Nhưng nếu khi uống bia xong, anh ta dắt xe ngay từ quán nhậu về nhà thì anh ta là người có ý thức. Những trường hợp này chúng tôi sẽ không xử lý nhưng vẫn sẽ nhắc nhở không điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt sẽ bị chúng tôi dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình vì thực ra, chúng tôi đã tổ chức các vị trí quan sát từ xa. Dù người vi phạm nhảy xuống khi gặp lực lượng CSGT, những trường hợp này đã bị ghi hình từ trước.
Thiết bị kỹ thuật sẽ có lúc gặp sự cố, nhất là thiết bị điện tử. Xin hỏi có biện pháp nào để nhận biết sự cố và giải pháp khắc phục nhằm tránh oan sai cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Kết thúc chuyên đề kiểm tra xử lý mỗi ngày, chúng tôi luôn làm công tác kiểm tra lại công cụ hỗ trợ. Tất cả các thiết bị của chúng tôi đều được kiểm tra định kỳ, không chỉ máy đo nồng độ cồn mà còn thiết bị đo trọng lượng và súng bắn tốc độ, sao cho việc xử lý vi phạm công minh nhất.
Tôi không uống rượu bia mà khi kiểm tra có thể hiện nồng độ cồn thì tôi phải khiếu nại với ai, cơ quan nào giải quyết?
- Thiếu tá Đào Việt Long: Người dân có thể viết đơn trực tiếp lên Phòng CSGT để khiếu nại về mọi hành vi, không chỉ về việc bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Chúng tôi sẽ có lực lượng chức năng riêng để làm rõ hành vi của người vi phạm và cả quá trình làm việc của tổ công tác, từ đó có phúc đáp cho người khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.
Nếu tôi lái xe taxi có chở người có cồn, tôi bị nhiễm nồng độ cồn thì xử lý như thế nào?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Nếu bạn hít hơi thở thụ động có mùi cồn, chúng tôi có phễu thu để xác định định tính về cồn. Chúng tôi kiểm tra một lần, nếu anh không uống rượu bia thì có thể yêu cầu kiểm tra lại lần hai hay yêu cầu kiểm tra máu.
Ở một số nước còn có thiết bị đo hiện đại hơn, đưa máy vào khoang lái cũng báo có cồn. Sau đó, người ta vẫn yêu cầu bạn kiểm tra nồng độ cồn, nếu không có vi phạm thì người lái xe được mời đi.
Lực lượng công an xã, cơ động có được kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn hay không?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Theo quy định hiện hành, kiểm soát nồng độ cồn đang được CSGT thực hiện có sự phối hợp của cảnh sát cơ động, công an xã để phòng ngừa chống người thi hành công vụ vì nhiều người hơi thở có nồng độ cồn dễ chống đối khi bị kiểm tra. Tùy theo điều kiện tình hình thì CSGT tham mưu công an tỉnh bố trí thêm lực lượng cảnh sát khác.
Nếu không đồng ý kết quả kiểm tra, người dân có quyền mang máy đo nồng độ cồn đi kiểm tra hay không?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Khi bạn không đồng ý với thiết bị đó thì bạn có quyền khiếu nại. Phòng CSGT sẽ có trách nhiệm thu lại kết quả đo và thiết bị đo để kiểm chứng để đảm bảo đúng yêu cầu hay không, để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”. Bạn có thể khiếu nại lực lượng chức năng. Chúng ta cũng phải nói thẳng rằng, không có máy đo nồng độ cồn nào tốt hơn bằng chính bạn, bạn biết bạn có cồn hay không để tham gia giao thông an toàn.
Tôi nghĩ rằng CSGT chỉ tập trung xử lý vi phạm hơn là tuyên truyền giao thông, ông nghĩ sao?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Chúng tôi không mong số tiền phạt tăng cao, việc xử lý vi phạm là để ngăn chặn tai nạn, còn tuyên truyền quần chúng nâng cao nhận thức. Mục tiêu lớn nhất của ngành là bình yên trên những tuyến đường. Một ngày không có CSGT thì các con đường sẽ hỗn loạn thế nào? Trách nhiệm lương tâm phục vụ người dân là cao cả hơn.