Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt VPHC trong hoạt động THADS vẫn chưa thực sự đi vào đời sống xã hội, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra là răn đe, phòng ngừa vi phạm để từ đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Bỏ qua vi phạm vì “ngại” phạt
Trong hoạt động THADS thì cơ quan THADS là cơ quan thường xuyên và trực tiếp phải xử lý những VPHC của người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP), thẩm quyền này của cơ quan THADS được quy định cụ thể là chấp hành viên THADS đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500 nghìn đồng.
Chi cục trưởng Chi cục THADS có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2,5 triệu đồng. Chấp hành viên THADS là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng. Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20 triệu đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS có quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi VPHC trong lĩnh vực THADS và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 52 của Nghị định 110/2013.
Bất cập lớn nhất hiện nay là có rất nhiều hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên, nhưng chấp hành viên không thể xử phạt được, vì mức phạt tiền vượt quá thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012.
Cụ thể, theo quy định nêu trên, chấp hành viên chỉ được phạt tiền ở mức cao nhất đến 500 nghìn đồng, nhưng Nghị định 110/2013 lại quy định phạt tiền mức thấp nhất đối với VPHC trong lĩnh vực THADS có khung từ 500 nghìn – 1 triệu đồng. Như vậy, chấp hành viên không thể ra quyết định xử phạt được khi có khung trên 500 nghìn đồng nên đa phần là chuyển thẩm quyền lên cấp trên (Cục trưởng, Chi cục trưởng).
Để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo, chấp hành viên phải lập hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền của cơ quan THADS cấp trên ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, thành phần hồ sơ chuyển lên cấp trên thế nào, gồm những giấy tờ gì, thủ tục ra sao thì pháp luật lại không quy định, dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Bởi thế, không ít trường hợp, chấp hành viên vì muốn giải quyết xong việc dễ dàng bỏ qua những lỗi như đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm mà không có lý do chính đáng, không cung cấp thông tin, không thực hiện quyết định khấu trừ thu nhập của người có thẩm quyền…
Còn nhiều “khoảng trống”
Nghị định 110/2013 cũng quy định thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án. Về quy định này, khi thực hiện còn nhiều phát sinh, mâu thuẫn chưa rõ về thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật quy định chấp hành viên ra quyết định phạt tiền trong trường hợp người phải thi hành án không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo Nghị định 110/2013, với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định thì thẩm quyền xử phạt thuộc Cục trưởng.
Trường hợp người phải thi hành án không kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án thì tùy theo mức độ vi phạm, chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Điều 162 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) không có quy định xử phạt hành vi này. Hay theo điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013, hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định có mức phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, tại Điều 49 Luật Xử lý VPHC và Điều 68 Nghị định 110/2013 thì mức phạt từ 3 triệu lại thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục THADS…
Đặc biệt, hiện vẫn chưa có cơ chế hiệu quả để xử lý những trường hợp không thi hành án, mặc dù Điều 314 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định: “(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt VPHC, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; (2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt VPHC, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đây là quy định mang tính răn đe nhưng chưa có cơ chế để thực hiện trên thực tế; pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xử phạt VPHC, hành vi vi phạm phải xử lý trong lĩnh vực này nên quy định trên chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả. Có thể nói, với những vướng mắc trên cần có sự rà soát Luật THADS và một số Luật, văn bản khác có liên quan để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định, nâng cao hiệu quả công tác xử phạt VPHC trong THADS.