Cơ duyên nào dẫn anh tới môn nghệ thuật thứ 7?
- Từ nhỏ tôi đã thích xem phim. Hồi đó, quê tôi ít nhà có ti vi. Tôi thường trốn nhà sang hàng xóm xem phim nhờ. Không ít lần tôi bị bố mẹ cho “lằn mông” vì “tội” mải xem quên học bài. Tôi thường học thuộc lời thoại của nhân vật rồi bắt chước diễn theo. Lúc ấy, phim tôi thích nhất là phim “Trạng Quỳnh”. Xem phim, tôi mơ ước sau này sẽ được làm diễn viên và thành danh như NSND Hoàng Dũng. Để ước mơ ấy trở thành sự thực, tôi thi và đỗ vào Trường Sân khấu Điện ảnh. Ở đây, tôi được trau dồi kỹ năng diễn xuất. Học được một thời gian, tôi đành dừng bước vì lý do sức khỏe. Sau này, sức khỏe hồi phục, niềm khát khao làm diễn viên ngày càng cháy bỏng, tôi tiếp tục học lớp diễn viên truyền hình do VTV tổ chức.
Chỉ 5 năm chạm ngõ với điện ảnh, Xuân Khôi đã đóng số lượng phim khá “khủng”- hơn 40 bộ phim với sự biến hóa trong từng vai diễn. Trong các vai diễn của mình, anh thích nhất hóa thân vào vai diễn nào?
- Tôi khá may mắn khi được tham gia đóng nhiều bộ phim ngay từ lúc mới bước chân vào nghề. Có thể kể tới phim: Lều chõng, Bí mật tam giác vàng, Chiến hạm nổ tung, Hoa cỏ may, Đinh Tiên Hoàng đế, Đường tới thành Thăng Long, Cây trầu không, Những đứa con biệt động Sài Gòn (phần 2)… hiện tại đang quay phim “Đường lên Điện Biên”…Tôi đóng các vai diễn cổ trang đến hiện đại, từ vai chính diện: nhà giáo, công an, bác sĩ… đến phản diện: tướng cướp, đứa con tội lỗi; từ chàng công tử tới anh nông dân chân lấm tay bùn. Vai chính diện, phản diện tôi đều thích nhưng thích nhất là vai đó phải có cá tính, gai góc, có chiều sâu đầy biến hóa. Ví như đằng sau bộ mặt tử tế là một kẻ lừa đảo… Tôi không thích vai diễn nào nhàn nhạt.
Đóng hàng chục phim truyền hình gây tiếng vang, sao đột nhiên anh lại rẽ ngang sang đóng hài Tết?
- Tôi muốn “khám phá” mình qua diễn hài. Hơn nữa, hài là món ăn tinh thần của mỗi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, tôi muốn mang tiếng cười của mình để dành tặng mọi người.
Phim hài “Làng ế vợ” đang “gây bão” ngoài thị trường, có điều gì độc đáo vậy anh?
- Đóng hài không dễ, một kịch bản hay, cười một cách vui vẻ nhưng đầy thâm túy, đưa ra thông điệp có ý nghĩa còn khó hơn. “Làng ế vợ” (đạo diễn Trần Bình Trọng) kể về một ngôi làng mà ở đó có những người đàn ông rất xấu. Lạ thay, gái làng lại rất xinh đẹp. Mặc dù gia cảnh nghèo nhưng các cô gái làng lại bị nhiễm “văn hóa @”, thích dùng điện thoại, máy tính bảng đắt tiền, thích thẩm mỹ và rất thích…yêu các công tử nhà giàu ngoài thành phố. Giai làng tức tối đưa ra mọi cách để “phá bĩnh” những “trâu đồng người ăn cỏ đồng ta”. Các tình huống dở khóc, dở cười đã diễn ra.
Trong “Làng ế vợ”, tôi đóng vai công tử đẹp trai nhà giàu, ga lăng nhưng thực chất là kẻ buôn bán phụ nữ. Nhân vật này “chài” gái làng bằng những món quà đắt tiền. Không chỉ có vậy, anh chàng còn “chài” bố vợ tương lai bằng rượu ngoại, mẹ vợ bằng mỹ phẩm, em vợ bằng máy tính bảng. Sau khi “cá cắn câu”, anh chàng này đưa gái làng lên phố ăn chơi và định bán qua biên giới.
Rất may, công an đã kịp thời phá dỡ đường dây buôn bán người, anh chàng này bị bắt trước sự “vỡ mộng” của gái làng. Gái làng dần nhận ra những “trâu đồng ta” vẫn là những người đàn ông thật thà, tốt bụng, chăm chỉ làm ăn, dù hình thức không đẹp. Họ đã không còn ảo mộng chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài. “Làng ế vợ” với những chi tiết hài hước, dí dỏm nhân ngày xuân nhưng vẫn chứa đựng những thông điệp ý nghĩa.
Có một số ít diễn viên thế hệ 8X, 9X muốn nổi danh sớm đã chọn cho mình “con đường”: phát ngôn sốc, ăn mặc sex, hành động gây scandal là diễn viên 8X, Xuân Khôi đánh giá thế nào về việc này?
- Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ tạo ra một scandal để được nổi tiếng. Làm việc chân chính có thể chưa được nổi trội trong giới showbiz nhưng nó sẽ lâu bền, chứ tạo tên tuổi bằng scandal, phát ngôn “sốc” sẽ không bao giờ bền vững, chỉ như ngọn gió thoảng qua rồi vĩnh viễn biến mất. Hoạt động nghệ thuật bằng khả năng của bản thân chắc chắn sẽ được khán giả trân trọng. Điều quan trọng, nó làm cho tâm hồn mình thanh thản.
Tôi luôn nhớ lời dạy của 3 người thầy đáng kính của mình là: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Quốc Trọng, NSND Lan Hương (Hương “bông”). “Người làm nghệ thuật phải đặt đạo đức, nhân cách của bản thân lên hàng đầu. Điều đó mới khiến nghệ sĩ “thăng hoa”, còn làm nghệ thuật mà nền tảng văn hóa kém nó sẽ giống như con dao “cắt” đi những tinh hoa của nghệ thuật. Các nghệ sĩ đừng biến mình trở thành “thảm họa” của nghệ thuật, của truyền thông”.
Cảm ơn Xuân Khôi về cuộc trò chuyện thú vị này.