Xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc: Còn lúng túng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo phản ảnh của doanh nghiệp hiện có hai cơ quan thực hiện kiểm tra, thẩm định nhà nuôi yến là Chi cục Thú y tỉnh và Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Doanh nghiệp cũng không biết mã nào với mã nào phục vụ cho việc xuất khẩu.
Theo thống kê, có tới 95% nhà yến đang tồn tại trong thành phố, khu dân cư.
Theo thống kê, có tới 95% nhà yến đang tồn tại trong thành phố, khu dân cư.

Tuân thủ quy định nghiêm ngặt

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970: “Mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu (XK)” do Báo Nông nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây, bà Trần Thị Thu Phương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổ yến là 1 trong 5 mặt hàng nông sản được XK chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư được ký giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong năm 2022 (cùng với sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang).

Nghị định thư gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, DN chế biến tổ yến, DN XK, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP)..., và đã có hiệu lực từ ngày 09/11/2022.

Trên cơ sở đó, theo đại diện Cục Thú y, trong thời gian tới UBND các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến; Rà soát và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; Lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) để được hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất (SX) phục vụ XK.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm và trên đàn chim yến tại địa phương, tại các nhà yến thuộc chuỗi XK. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh cúm gia cầm, Newcastle tại địa phương.

Đối với các DN kinh doanh và chế biến tổ yến, cần chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở SX, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu XK; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm có thể truy xuất từ nhà nuôi chim yến đến sản phẩm XK.

Đồng thời, tiến hành đăng ký nhà yến với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có mã số nhà yến; có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kèm theo danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho DN; phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh, các chỉ tiêu ATTP theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc; chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký DN XK theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.

Cần quy về một cơ quan chịu trách nhiệm cấp mã

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi) lưu ý, quản lý chim yến hoàn toàn khác với gia súc, gia cầm (quản lý người và sản phẩm). Việc quản lý chim yến đã được quy định trong Luật Chăn nuôi, do đó, muốn quản lý hiệu quả, XK được sản phẩm từ yến thì phải tuân thủ Luật Chăn nuôi.

Theo ông Trọng, trong quy định của pháp luật không có vùng cấm nuôi yến, chỉ có vùng được phép nuôi yến sau khi HĐND tỉnh phê duyệt Nghị quyết do UBND tỉnh trình, Sở NN&PTNT đề xuất. Cũng theo ông Trọng, sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực (1/1/2020), thì vùng nuôi chim yến mới được xây dựng. Tất cả nhà yến hiện tại ở trong thành phố, khu dân cư vẫn được phép tồn tại.

Theo thống kê, có tới 95% nhà yến đang tồn tại trong thành phố, khu dân cư. Hiện tại, chỉ quy định các nhà yến không được phép cơi nới, không được phép phát loa ngoài. Như vậy, tất cả nhà yến đều được cấp mã định danh quốc gia theo Quyết định 124/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam

Ông Trọng nêu ví dụ: Hầu hết các nhà yến như biệt thự đang nằm trong thành phố, như tỉnh Kiên Giang có hơn 3.000 nhà yến thì có hơn 1.000 nhà yến nằm kiên cố trong thành phố, có những nhà yến trị giá hơn 20 tỷ đồng thì việc giải phóng, bồi thường là không thể.

Cũng theo ông Trọng, hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc đã được xã hội hóa, do đó, các DN phải chủ động khai báo với chính quyền địa phương. Sau đó, DN phải có trách nhiệm khai báo, báo cáo với Cục Thú y để giám sát dịch bệnh, ATTP, đăng ký với phía Trung Quốc... Bên cạnh đó, các DN cũng phải chủ động cập nhật phần mềm quản lý theo chuỗi, tạo thuận lợi cho việc truy xuất được quá trình nuôi, sơ chế, chế biến của DN mình.

Là DN tham gia chuỗi quy trình từ thu mua tổ yến, chế biến và làm thương mại, bà Lưu Thị Yến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nông sản Thịnh Vượng băn khoăn: “Hiện nay, chúng tôi đang hiểu là quản lý bằng hai mã, một mã là theo mã định danh quản lý của hệ thống Nhà nước, một mã theo quản lý chuyên ngành. Cục Hải quan Trung Quốc sẽ dùng mã nào để phối hợp, hợp tác quản lý với phía mình?”.

Đại diện DN này cũng cho biết, hiện có hai cơ quan thực hiện kiểm tra, thẩm định nhà nuôi yến là Chi cục Thú y tỉnh và Cục Thú y của Bộ. Trong đó, Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra DN SX cho sản phẩm nội địa và Cục Thú y của Bộ thẩm tra nhà nuôi yến SX phục vụ XK.

Từ góc độ của nhà SX, bà Yến Thanh cho rằng DN SX ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước hay XK đều hướng tới tiêu chuẩn cao nhất. Do đó, cần quy về một cơ quan chịu trách nhiệm cấp mã cho nhà nuôi yến và truy xuất nguồn gốc để rút gọn quy trình thẩm tra, thẩm định cũng như tránh chồng chéo trong công tác này.

Đọc thêm