Xuất khẩu gỗ của Việt Nam: 13 tỷ USD - con số trong tầm tay?

(PLO) - Làm gì để 2 năm nữa, ngành gỗ cán đích với  con số xuất khẩu đạt 13 tỷ USD, qua đó “leo” lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất trên thế giới?
Gỗ thành phẩm bình thường hiện đang có giá 1.400 - 1.800 USD/m3
Gỗ thành phẩm bình thường hiện đang có giá 1.400 - 1.800 USD/m3

Sang năm, doanh nghiệp được hưởng lợi

Sự kiện Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào cuối tháng 10/2018, sau 6 năm đàm phán được coi là một thành công lớn đối với xuất khẩu lâm sản. Hiệp định Thương mại này có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.

Đây được coi là cơ hội “vàng” nhằm nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020...

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu lâm sản chính từ đầu năm 2018 đến nay đạt 7,612 tỷ USD; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Cũng theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á về chế biến, xuất khẩu gỗ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những thế mạnh và kinh nghiệm có được, Việt Nam hoàn toàn có thể “leo” lên vị trí thứ tư thế giới thời gian tới về xuất khẩu gỗ.

“Hiệp định VPA/FLEGT tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu. Khi tham gia hiệp định, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800 USD/m3, nhưng nếu áp dụng công nghệ cao giá sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm”, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho rằng, không phải đến bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam mới biết đến quy chế về gỗ hợp pháp mà trước đó, khi xuất khẩu gỗ vào thị trường Hoa Kỳ, đạo luật Lacey của quốc gia này cũng quy định rất nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ khi nhập khẩu. Chính vì vậy, việc Hiệp định VPA/FLEGT vừa được ký kết giữa Việt Nam-EU sẽ tạo ra nhiều hướng phát triển cho thị trường xuất khẩu gỗ thời gian tới không chỉ vào EU mà cả các thị trường khác. Dự đoán thời gian tới, cụ thể đến khoảng năm 2020, xuất khẩu gỗ tăng trưởng khoảng 10 - 15%.

Dự kiến, năm 2019 sẽ hoàn thành nghị định hướng dẫn thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Khi Hiệp định mới được thực thi đầy đủ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ mới được hưởng lợi. Còn hiện nay, tất cả doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình, tuân thủ các quy định của EU về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, chỉ khi được cấp giấy phép FLEGT mới thay thế được quy định đó.

Nhiều thị trường lớn 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, VPA/FLEGT là cơ hội để tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nước, đôi khi gặp khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, buộc chúng ta phải đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, xuất khẩu là hợp pháp, không gây hại môi trường…

Được biết, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hai nguồn gỗ nguyên liệu từ nhập khẩu và trong nước. Đối với nguồn nhập khẩu, việc truy xuất rõ nguồn gốc phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Với nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các diện tích rừng trồng đang được ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện dù công việc này khá tốn kém.

Liên quan vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đưa ra quan điểm, khi đẩy mạnh việc sử dụng gỗ hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng sẽ thúc đẩy sản xuất từ phía người trồng rừng - đối tượng trực tiếp làm ra các sản phẩm gỗ hợp pháp. Đồng thời, sản phẩm được chế biến, sản xuất gỗ hợp pháp sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. 

Trong khi nhiều chuyên gia về lâm nghiệp thì khẳng định, cơ sở để Việt Nam thực hiện hiệp định với EU tốt chính là tuân thủ Luật Lâm nghiệp đã ban hành. Vì gỗ sản xuất phải có nguồn gốc hợp pháp, từ sản xuất, chế biến, đặc biệt là những khu rừng tuân thủ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. 

Từ đó, ngoài thị trường lớn như EU, các thị trường khác như Nga, Trung Quốc, châu Phi... đều trong tầm tay của Việt Nam.

Đọc thêm