Có thể tăng gấp 5-10 lần
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu (XK) mặt hàng rau quả tháng 11 đạt 186 triệu USD đưa tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong 11 tháng cán mốc 2,1 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015. Theo nhiều doanh nghiệp (DN), đây là con số ấn tượng, tuy nhiên nếu so với tiềm năng hiện có của ngành nông nghiệp thì kết quả này vẫn còn khiêm tốn.
Quản lý một doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu rau quả, liên kết sản xuất với nông dân trải khắp nước từ Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên, ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Những năm trước đây việc XK rau quả gặp rất nhiều khó khăn do ngành rau quả ít có hỗ trợ từ Chính phủ. Thị trường XK rau quả những thời điểm đó chủ yếu là Nga và các nước Đông Âu nhưng đến thời điểm này, thị trường XK rau quả của Việt Nam đã mở rộng ra hơn rất nhiều.
“Chúng ta hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển mở rộng hơn nữa cả về thị trường tiêu thụ và sản lượng, cũng như chủng loại rau quả XK. Theo quản điểm của tôi, nếu chúng ta tập trung kiểm soát tốt được đầu vào cả về số lượng và chất lượng thì chúng ta hoàn toàn có thể XK được với số lượng gấp 5-10 lần hiện nay trong thời gian rất gần”- ông Khuê tin tưởng.
Theo tìm hiểu của CCPL, rau quả của Việt Nam hiện đã được XK đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 11 tháng qua, mặt hàng rau quả đã xuất sang những thị trường lớn như: Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Hoa Kỳ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%). Có thể thấy, trong 10 thị trường XK chính, Trung Quốc vẫn là thị trưởng XK rau quả lớn nhất của Việt Nam.
Ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại TP. Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết: Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm XK mà Việt Nam có thế mạnh, trong đó có mặt hàng rau quả nhiệt đới.
“Quảng tây và Vân Nam là địa phương nhập khẩu chủ yếu các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để hoa quả Việt Nam được tiêu thụ trực tiếp tại các thành phố lớn trong nội địa Trung Quốc các DN cần tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức bán hàng thông qua hoạt động thương mại điện tử”- ông Anh khuyến cáo đối với các nhà XK rau quả Việt Nam sang thị trường này.
Khó giữ “phong độ” vì thiếu nguyên liệu
Trước đây trong quá trình quy hoạch, lập các trung tâm chế biến rau quả, việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến XK thiếu ổn định dẫn đến các trung tâm chế biến hoạt động không hiệu quả do thiếu nguyên liệu. Tìm hiểu của CCPL cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ở miền Bắc, hiện chỉ có vùng dứa Đồng Dao và vùng dứa Lào Cai với tổng diện tích khoảng 5000 ha với sản lượng 70 ngàn tấn/ năm được coi là đáng kể để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Thế nhưng, 50% sản lượng của 2 vùng dứa này được ghi nhận chỉ có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu cho chế biến xuất khẩu, số còn lại phục vụ tiêu thụ tươi trong nước.
Không chỉ dứa, vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà, mận Sơn La, Lai Châu cũng đang gặp tình cảnh tương tự. Sản lượng các loại hoa quả này tuy nhiều nhưng thời gian thu hoạch và chế biến lại quá ngắn (từ 1 tháng đến 1,5 tháng) không thuận lợi cho công nghiệp chế biến. Vùng quả đặc sản như cam ở Hàm Yên-Tuyên Quang, Cao Phong –Hòa Bình, Lục Ngạn- Bắc Giang sản lượng hạn chế nên hầu như cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước. Ngoài ra, các loại rau đậu như rau chân vịt, đậu tương, đậu đỗ mà thị trường Nhật Bản có nhu cầu rất lớn thì hẩu như chỉ sản xuất được vào vụ xuân.
Ông Khuê nói ông cảm thấy hết sức lo lắng vì sự bấp bênh của các vùng nguyên liệu hiện tại, nhất là khi phải cạnh tranh trực tiếp với “phong trào” mở khu công nghiệp tại nhiều địa phương. Ông Khuê phân tích, để quy hoạch được một vùng sản xuất rau quả, DN mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng nếu có một dự án công nghiệp chen vào thì đất đó rất dễ bị lấy lại để ưu tiên cho xây khu công nghiệp, nhà máy. “Một chiếc điện thoại bán được 10 đồng thì VN chỉ được hưởng lợi 2 đồng, còn 10 đồng xuất khẩu rau quả chúng tôi đem về cho người nông dân 7 - 8 đồng. Có điều nếu phải cạnh tranh đất đai với một dự án công nghiệp thì chúng tôi thua”- ông Khuê ngán ngẩm.
Vì thế, để ngành rau quả có điều kiện phát triển bền vững, theo DN này, làm sao để tránh tình trạng DN đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển vùng nguyên được một thời gian ổn định thì địa phương lại thay đổi quy hoạch, chuyển sang phát triển công nghiệp trên vùng nguyên liệu đã quy hoạch.
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực rau quả cũng cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến XK và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng hiện tại.
Cụ thể vùng các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô rau, đậu tương rau, rau chân vịt, hồ tiêu với số lượng lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế gới đang có nhu cầu lớn.
Các tỉnh phía Nam có các khu đất nhiễm phèn, nhiễm mặn như Gò Quao-Kiên Giang rất thích hợp để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa. Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu rất thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả.
Một năm khởi sắc của các nhà sản xuất, chế biến, XK ngành hàng rau quả. Nhưng làm sao để kết quả này không phải là phong độ nhất thời… lại là câu chuyện không hề đơn giản. Để giữ vững vị trí ngành hàng mũi nhọn XK trong nhiều năm tới, ngành nông nghiệp cần có nhiều chính sách kiến tạo tốt hơn cho các nhà sản xuất, chế biến trong nước, nhất là vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng cho rằng thời gian vừa qua, ngành rau quả gặt hái được những kết quả xuất khẩu rất ấn tượng. Dự báo cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ cán mức 2,5 tỉ USD, lần đầu tiên sẽ vượt qua kim ngạch xuất khẩu (XK) lúa gạo. “Trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo mà chưa chú trọng đến rau quả. Dư địa phát triển của lĩnh vực rau quả còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn”- ông Doanh nhấn mạnh.